
BÀI 1: “TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT” CỦA DU LỊCH VIỆT NAM
Nét đẹp bình dị nhưng đầy cuốn hút của đất và người Quảng Nam, trong đó đặc biệt là giá trị văn hóa - di sản đã giúp địa phương trở thành “trường hợp đặc biệt” trên cả nước khi thu hút được lượng khách quốc tế đông hơn khách nội địa.
“Thỏi nam châm” hút khách quốc tế
So với nhiều địa phương trọng điểm về phát triển du lịch trên cả nước, thương hiệu du lịch Quảng Nam có thể là “sinh sau, đẻ muộn”. Ngành du lịch Quảng Nam chỉ thực sự có đòn bẩy đột phá vào năm 1999 khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Với việc là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới (kể cả đến thời điểm hiện tại), trong thời gian khá ngắn, Quảng Nam đã thăng tiến rất nhanh để thường xuyên đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố đón khách quốc tế nhiều nhất của Việt Nam từ năm 2010 đến nay.
Theo báo cáo thường niên ngành du lịch Việt Nam, năm 2019 Quảng Nam đứng thứ 4 toàn quốc về đón khách quốc tế (với hơn 4,6 triệu lượt), chỉ kém TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh. Trung bình cứ 100 khách quốc tế đến Việt Nam thì có khoảng 25 khách sẽ ghé Quảng Nam.
Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nói: “Thực tế đã chứng minh du lịch Quảng Nam luôn có vị trí quan trọng, đóng góp đáng kể vào thành công của du lịch Việt Nam trong những năm qua”.

Bước qua giai đoạn khủng hoảng bởi dịch COVID-19, Quảng Nam vẫn được đánh giá là một trong số ít các điểm đến có mức phục hồi khách quốc tế tốt nhất ở Việt Nam.
Năm 2024, Quảng Nam đón khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế tham quan, lưu trú - con số cao nhất mà tỉnh đạt được từ trước đến nay. Quảng Nam, nhất là Hội An là một trong số ít cái tên quen thuộc của du lịch Việt Nam thường xuyên được vinh danh ở bảng xếp hạng về du lịch uy tín trên phạm vi toàn cầu.
Điểm thú vị tạo ra sự khác biệt của du lịch Quảng Nam là cơ cấu khách quốc tế cao hơn khách nội địa. Theo Sở VH-TT&DL, trừ giai đoạn 2020 - 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh thì hầu như năm nào khách quốc tế cũng luôn chiếm 55-60% tổng cơ cấu khách du lịch của Quảng Nam.
PGS-TS. Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam nói: “Tất cả tỉnh, thành khác đều có cơ cấu khách quốc tế thấp hơn khách nội địa, chỉ riêng Quảng Nam là ngược lại, đây là điều rất đặc biệt”.
Lượng khách quốc tế đến Quảng Nam qua một số năm:
Năm 2010: 1,17 triệu lượt; năm 2015: 1,4 triệu lượt; năm 2019: 4,6 triệu lượt; năm 2023: 3,9 triệu lượt; năm 2024: 5,5 triệu lượt.
Thực trạng khách quốc tế nhiều hơn khách nội địa ở Quảng Nam bắt đầu từ khoảng năm 2016, khi vào năm đó khách quốc tế chiếm khoảng 2,3 triệu lượt trong số gần 4 triệu lượt khách đến Quảng Nam (khoảng 57%). Thậm chí, tỷ lệ này đã đạt đến 68% trong năm 2024.
Tham chiếu con số thống kê, Quảng Nam là địa phương duy nhất có được cơ cấu này. Các tỉnh, thành có tỷ lệ khách quốc tế trong tổng cơ cấu tốt nhất như TP.Đà Nẵng cũng chỉ đạt 37% hay Khánh Hòa đạt khoảng 42%.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương cho hay, dịch COVID-19 cũng là một “bài test” về tính hấp dẫn của điểm đến. Trong khi nhiều điểm đến lớn ở Việt Nam một thời gian dài lao đao sau khi dịch bệnh đi qua thì Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung nhanh chóng phục hồi lượng khách quốc tế đáng kinh ngạc.
“Điểm đặc biệt của du lịch Quảng Nam, thể hiện rõ nhất ở Hội An là cả cộng đồng, “mọi ngõ ngách” đều có thể làm du lịch chứ không chỉ chủ yếu bật lên dựa vào các thương hiệu quốc tế lớn, đây là yếu tố bền vững để thu hút khách” - ông Thủy nhận định.
Có dấu hiệu bão hòa
Xét thuần về lượng khách, Quảng Nam vẫn đang đạt được đà tăng trưởng tốt trong việc hút khách quốc tế (năm 2024 đã tăng 20% so với năm 2023). Tuy nhiên, nguồn thu từ du lịch đi kèm chưa tương xứng là thực trạng tồn tại nhiều năm qua.

Tổng doanh thu từ tham quan và lưu trú (những thống kê dễ định lượng hơn thu nhập xã hội từ du lịch) của Quảng Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 9.200 tỷ đồng. Ở tầm vĩ mô, còn nhiều góc nhìn khác nhau về con số thống kê ngành du lịch giữa các tỉnh, thành, nhưng qua tổng hợp, doanh thu từ du lịch của Quảng Nam thường xuyên nằm ngoài tốp 10 địa phương lớn nhất của Việt Nam.
Đi vào cụ thể hơn, một kết quả khảo sát được thực hiện trong đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm gần đây cho thấy, mức thu nhập bình quân của các nhóm nghề liên quan trực tiếp đến du lịch ở Cù Lao Chàm như: homestay, hướng dẫn viên, xuồng vận chuyển khách, bán hàng lưu niệm… chỉ còn khoảng 30-50% so với thời điểm có mức thu nhập cao nhất (khoảng năm 2018 - 2019).
Trong các buổi làm việc liên quan đến Mỹ Sơn (điểm đến có khoảng 90% khách tham quan quốc tế), lãnh đạo tỉnh nhiều lần đề cập việc lượng khách đến di sản này còn khiêm tốn; dịch vụ đi kèm quá đơn điệu khiến nguồn thu không tương xứng với giá trị to lớn của di sản.

Ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc điều hành Công ty Outbox Consulting (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu ngành du lịch) nhận định: “Quảng Nam nằm trong nhóm các địa phương đón khách quốc tế hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên doanh thu từ du lịch lại khá thấp. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm, cần phải sớm có giải pháp cải thiện chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao đóng góp của ngành du lịch vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Điểm đến hấp dẫn nhất của Quảng Nam và bậc nhất Việt Nam đối với khách quốc tế là Hội An hiện cũng không ngoại lệ. Dù lượng khách quốc tế đến Hội An vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt qua các năm nhưng bình quân số ngày lưu trú và mức chi tiêu của khách không tăng. Số ngày lưu trú bình quân của khách ở Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng gần như “giậm chân” sau hàng chục năm (khoảng hơn 2,1 ngày/khách).
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, đóng góp của du lịch vào GRDP Quảng Nam năm 2023 đã đạt khoảng 11,6%, tuy nhiên chưa thể khẳng định được tính bền vững chỉ số này.
“Điều đáng quan ngại là điểm đến du lịch Quảng Nam gần đây ít có sự thay đổi, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kích cầu du lịch. Khi sản phẩm du lịch đến ngưỡng bão hòa mà không có sự thay đổi thì tất yếu sẽ đi xuống” - PGS-TS. Phạm Trung Lương chia sẻ.
Dấu hiệu đáng lo ngại cũng xuất hiện trong một số vinh danh của quốc tế với Hội An, như “Hội An trở thành điểm đến nổi tiếng rẻ nhất thế giới với du khách Anh năm 2024” theo báo cáo Holiday Money 2024 do Bưu điện Anh (Post Office) công bố.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, các sản phẩm gắn với thương hiệu du lịch Hội An vẫn chủ yếu quanh quẩn như phố đi bộ, đèn lồng, một ngày làm nông dân… và đã có dấu hiệu bão hòa, kém dần sức hút so với trước đây. “Nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhất là với điểm đến Khu phố cổ Hội An thì nguy cơ Hội An sẽ đánh mất thị trường khách quốc tế chi tiêu cao từng một thời đến Hội An rất nhiều” - ông Sơn nói.
----------------------------
Bài 2: Sự dịch chuyển đối với dòng khách châu Á, Đông Bắc Á
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xoay-chuyen-co-cau-thi-truong-khach-quoc-te-den-quang-nam-bai-1-truong-hop-dac-biet-cua-du-lich-viet-nam-3153256.html
Bình luận (0)