Đồng chí Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Thông qua hội nghị, nhằm kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là các dự án mới trong các lĩnh vực: Năng lượng, năng lượng tái tạo; hạ tầng kỹ thuật; khu, cụm công nghiệp, sản xuất công nghiệp, cảng biển; kết cấu hạ tầng KT-XH, khai thác, cung cấp nước sạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, là cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng cơ hội, kết nối với VDB để tìm hiểu, nắm bắt một số điều kiện, quy định, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. VDB cũng sẽ ký kết bản ghi nhớ với các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, VDB sẽ giới thiệu cơ chế cho vay mới theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/1/2023 của Chính phủ, với nhiều ưu đãi như: Lãi suất vay năm 2025 chỉ 6,9%/năm, linh hoạt điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ. Hạn mức vay tối đa lên đến 12.000 tỷ đồng/doanh nghiệp, 20.000 tỷ đồng/nhóm khách hàng. Ưu tiên tài trợ cho các dự án hạ tầng KT-XH, năng lượng tái tạo, cảng biển, khu công nghiệp, cấp nước sạch, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn... Tính đến quý I/2025, VDB đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng mới, với tổng số tiền phê duyệt 12.243 tỷ đồng, giải ngân 3.137 tỷ đồng. Tại Ninh Thuận, VDB khu vực Nam Trung Bộ đang thẩm định 3 dự án với tổng vốn vay trên 2.000 tỷ đồng, hướng đến tổng vốn cho vay năm 2025 từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng.
Đồng chí Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết thêm: Với nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại địa phương năm 2025 khoảng 22.500 tỷ đồng, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm về năng lượng, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030. Trong đó: Điện mặt trời 1.974MW, điện gió 1.039MW; LNG Cà Ná 1.500MW; hydrogen; dự án Khu công nghiệp Cà Ná (giai đoạn 1, quy mô 378ha) và các 9 cụm công nghiệp mới theo quy hoạch tỉnh với tổng diện tích trên 412ha; dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2 (quy mô 300.000DWT) gắn với cảng cạn, trung tâm logistics Cà Ná 120ha theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại với năng lực thông qua từ 150.000-200.000 TEU/năm.
Việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng của tỉnh, góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2025 ở mức 13-14%, đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 42- 43%, dịch vụ 32- 33%; nông, lâm, thủy sản chiếm 24-25% trong GRDP. Tăng GRDP bình quân đầu người từ mức 98,2 triệu đồng/người trong năm 2024 lên 115 triệu đồng/người trong năm 2025. Việc “gỡ van” tín dụng từ VDB sẽ đưa các dự án đang đầu tư tại Ninh Thuận hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác sớm. Đó cũng là cách hiện thực hóa các chính sách đầu tư, giữ chân nhà đầu tư ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa KT-XH Ninh Thuận phát triển bền vững.
Xuân Bính
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/153063p1c30/ket-noi-nha-dau-tu-voi-cac-chinh-sach-tin-dung-tai-tinh-ninh-thuan.htm
Bình luận (0)