Sáng tạo trong cách tiếp cận, linh hoạt trong cách triển khai, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước hiện thực hóa khát vọng “mọi người dân đều biết chữ” thông qua ứng dụng công nghệ số vào công tác xóa mù chữ.
Việc tổ chức tập huấn sử dụng kênh YouTube “Bình dân học vụ” được xem là một bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại luồng sinh khí mới cho công tác phổ cập giáo dục tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau hai đợt tập huấn được tổ chức vào đầu tháng 6/2025, hơn 850 học viên bao gồm cán bộ giáo dục, tình nguyện viên đến từ các xã phía tây tỉnh Quảng Ngãi đã được trang bị đầy đủ kỹ năng và phương pháp để cùng nhau học hỏi cách khai thác hiệu quả kênh YouTube “Bình dân học vụ số” trong công tác xóa mù chữ.
Kênh YouTube nhiều hy vọng
Kênh YouTube “Bình dân học vụ số” là sản phẩm sáng tạo trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Với nội dung học tập thân thiện, gần gũi, kênh xây dựng hệ thống video giảng dạy các môn học cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên-Xã hội, được thiết kế phù hợp đối tượng người lớn chưa biết chữ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều đặc biệt là các video này không chỉ giúp người học tiếp cận kiến thức một cách trực quan qua hình ảnh, âm thanh mà còn tích hợp mã QR giúp truy cập nhanh chóng, thuận tiện. Người học chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet là có thể học mọi lúc, mọi nơi. Đây là một điểm cộng lớn trong bối cảnh nhiều vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu điều kiện học tập.
Cô Nông Thị Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Sa Bình, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lớp xóa mù chữ được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ cấp trên, sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại cơ sở cho nên thời gian học tập được bảo đảm. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn như: Học viên hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, chủ yếu làm nương rẫy nên thời gian học đôi lúc chưa bảo đảm. Lực lượng tình nguyện viên các lớp xóa mù còn mỏng...
Một điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung tập huấn là việc hướng dẫn các học viên tổ chức nhóm học tập cộng đồng, mô hình học tập theo nhóm nhỏ tại địa phương và qua nền tảng trực tuyến Zalo. Cô Phan Thị Đông, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, phường Đăk Cấm cho biết: “Cách làm này vừa khơi dậy tinh thần tự học, vừa phát huy sức mạnh cộng đồng. Khi một người biết chữ, họ có thể tiếp tục giúp người khác học. Cứ thế, hiệu ứng lan tỏa sẽ càng ngày càng mạnh mẽ”.
Từ Bình dân học vụ năm 1945 đến chuyển đổi số năm 2025
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945, một trong những chiến dịch xóa mù chữ thành công nhất trong lịch sử Việt Nam, kênh “Bình dân học vụ số” là sự tiếp nối truyền thống “toàn dân học chữ” trong một bối cảnh mới: thời đại số hóa.
Theo đồng chí Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi: “Chúng tôi xác định rõ, xóa mù chữ không chỉ là dạy biết đọc, biết viết, mà còn là dạy kỹ năng để người dân sống và làm việc hiệu quả hơn trong xã hội hiện đại.
Kênh YouTube này không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn là cầu nối để xây dựng cộng đồng học tập số ở các vùng khó khăn”. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, việc tổ chức tập huấn, triển khai mô hình kênh học tập số được thực hiện bài bản, hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền, phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi, người trực tiếp tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn, cho biết: “Tôi thật sự ấn tượng với tinh thần học tập của các học viên, đặc biệt là các tình nguyện viên đến từ vùng sâu, vùng xa. Dù nhiều người lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh nhưng họ học rất nhanh, rất cầu tiến. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy con đường số hóa trong giáo dục đang được đón nhận tích cực”.
Chương trình tập huấn đã tạo nên một mạng lưới “hạt giống tri thức” sẵn sàng lan tỏa tinh thần học tập đến từng gia đình, từng buôn làng. Với việc khai thác hiệu quả kênh “Bình dân học vụ số”, tỉnh Quảng Ngãi đang đi đầu trong việc đưa công nghệ số vào công tác xóa mù chữ. Đây không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh thiếu giáo viên hay khó khăn về điều kiện địa lý, mà còn là chiến lược lâu dài để xây dựng xã hội học tập, thu hẹp khoảng cách tri thức giữa các vùng miền, giữa các dân tộc.
“Bình dân học vụ số” đã mở ra cánh cửa tri thức mới cho hàng nghìn người dân vùng sâu, vùng xa. Đó không chỉ là bước đi trong công cuộc xóa mù chữ, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục địa phương trong việc đưa ánh sáng tri thức đến từng thôn bản.
Nguồn: https://baolamdong.vn/khoi-day-tinh-than-tu-hoc-phat-huy-suc-manh-cong-dong-381857.html
Bình luận (0)