Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khu Công nghệ cao TPHCM: Định hướng thành Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu

TPHCM hiện có các khu công nghệ tập trung quy mô lớn như: Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ cao (SHTP) TPHCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM và các khu vực hoạt động công nghệ số... Trong đó, SHTP có vị thế chiến lược để trở thành Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu, nơi hội tụ công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng24/04/2025

Chờ Công viên khoa học - công nghệ

SHTP sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển đã đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; đến nay đã thu hút 161 dự án, trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ cao từ đa quốc gia trên thế giới như Intel, Samsung, Nidec…

X4a.jpg
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của SHTP đạt 20,77 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Với xu hướng phát triển hiện nay, theo Ban quản lý SHTP, “chiếc áo” SHTP hiện đã chật nên cần mô hình mới để tiếp tục phát triển. Trong đó, mô hình Công viên khoa học - công nghệ (KH-CN) được xem là một “bến cảng” công nghệ, thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, tạo một cửa ngõ quan trọng trao đổi tri thức công nghệ, sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao.

Từ nhiều năm qua, các nước như Nhật, Hàn Quốc… đã không ngừng đầu tư vào công viên khoa học; tùy mục tiêu phát triển kinh tế, các nước sẽ vận hành từng mô hình công viên khác nhau. Ông Nakajima Takashi, chuyên gia JICA (Nhật Bản), cho biết Nhật Bản có nhiều công viên khoa học và thành phố thông minh như Tsukuba, Kanagawa, Kashiwanoha…

Trong đó, Công viên khoa học Tsukuba đã làm tốt vai trò cầu nối giữa học thuật và phát triển công nghiệp với nhiều dự án được triển khai, đóng vai trò như một trung tâm đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn ông Kim Wan Jin, Giám đốc điều hành Công ty Mekonglink, đại diện Hiệp hội Công viên công nghệ Hàn Quốc tiểu vùng sông Mekong, cho biết, Hàn Quốc hiện có 19 công viên KH-CN. Công viên có thể phát triển mạng lưới công ty công nghệ mạnh mẽ, hoạt động của công viên luôn bám theo tầm nhìn và kế hoạch phát triển của từng địa phương.

Theo Ban Quản lý SHTP, dự kiến dự án Công viên KH-CN tại SHTP sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2034, quy mô diện tích 194,8ha với các phân khu chức năng. Trong 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, dự án chia thành 2 giai đoạn: 7 năm đầu (2024-2031) thực hiện chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương, phê duyệt báo cáo tiền khả thi, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước…; giai đoạn 2 (2031-2034) xây dựng các hạ tầng còn lại và tổ chức xúc tiến đầu tư.

“Việc xây dựng Công viên KH-CN phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023 của Quốc hội) và phù hợp với Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó nhấn mạnh “Ưu tiên mở rộng SHTP, phát triển trở thành Công viên KH-CN; tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho nghiên cứu triển khai, ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao”, đại diện Ban Quản lý SHTP cho biết.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong lúc chờ Chính Phủ có quyết định về xây dựng Công viên KH-CN ở SHTP, TPHCM đang xem xét để hình thành Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu tại thành phố. Theo nhiều chuyên gia, để hiện thực hóa chiến lược này, SHTP cần thực hiện một số giải pháp: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh hình thành Công viên KH-CN tại SHTP và thành lập Viện Công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo thành phố; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với SHTP là hạt nhân, kết nối trực tiếp với nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đại học Quốc gia TPHCM. Song song đó, cần mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo...

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết: “SHTP với lợi thế về cơ sở pháp lý, quy hoạch phát triển, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nơi đây cũng có vị thế chiến lược để trở thành Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu, nơi hội tụ công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển đổi kinh tế và công nghiệp của Việt Nam”.

Tại hội thảo Xây dựng Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu tại TPHCM do Sở KH-CN, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM cùng SHTP tổ chức gần đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã nhấn mạnh: “TPHCM có thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao, có vai trò là trung tâm tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Việc xây dựng Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu tại TPHCM cần tận dụng tốt nhất những cơ sở thành phố đã có”. Thực tế cho thấy, SHTP hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành Trung tâm Công nghệ cao đa mục tiêu trong thời gian tới.

Công viên KH-CN tại SHTP được định hình sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu KH-CN đa ngành, đóng vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng vùng Đông Nam bộ theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mô hình này được thiết kế nhằm tăng cường mối liên kết chiến lược với các đại học trong khu vực, đặc biệt là Đại học Quốc gia TPHCM, đồng thời tích hợp hoàn chỉnh tổng thể Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM. Đề án Công viên KH-CN tại SHTP đã được TPHCM trình Chính phủ.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khu-cong-nghe-cao-tphcm-dinh-huong-thanh-trung-tam-cong-nghe-cao-da-muc-tieu-post792166.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm