Sự hân hoan của lễ kỷ niệm lan toả từ đường phố đến không gian mạng. Ảnh: Viết Thắng. |
Từ ngày 27/3 đến 22/4, chủ đề Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam nhận được hơn 2,45 triệu lượt thảo luận cùng 18,13 triệu tương tác trên các nền tảng mạng xã hội, theo Younet Media.
Chỉ số đã tăng gấp đôi trong một tuần trở lại đây, khi người dân được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện. Con số này gấp nhiều lần những sự kiện đỉnh cao khác như SEA Games 31 (600.000 lượt).
Lễ diễu binh 30/4 xuất hiện đồng loạt cho thấy tính kết nối của chủ đề này. Từ thế hệ trước, đến nhiều bạn trẻ thể hiện lòng tự hào theo nhiều cách khác nhau, mang đến đa dạng góc nhìn về lễ kỷ niệm.
Gây bão đồng loạt các nền tảng
Dữ liệu từ SocialTrend cho thấy Facebook nhận được nhiều lượt thảo luận nhất (55.6%). Tính đến hiện tại, có 5 hội nhóm trên nền tảng được thành lập nhằm chia sẻ thông tin liên quan, giao dịch đặt phòng, hướng dẫn chi tiết đến lịch trình diễu hành với tổng số thành viên hơn 12 nghìn người.
Các lượt thảo luận sôi nổi nhất bao gồm địa điểm tổ chức (25%), lịch trình sự kiện (21%) và cách theo dõi lễ diễu binh (21%). Người dùng liên tục thắc mắc về địa điểm có góc nhìn đẹp, tuyến đường bị cấm hay giải pháp xem diễu hành thuận tiện nhất.
Những hội nhóm mới được thành lập. Ảnh: Facebook. |
Theo số liệu của TikTok, có 9 trên 10 hashtag trong bảng xếp hạng 7 ngày qua đều liên quan đến đại lễ 30/4 với tổng 153.000 bài đăng. Đặc biệt, #dieu binh và #50namgiaiphongmiennam đã leo lên hai vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng 30 ngày. Nền tảng này có hơn 60% người dùng thuộc thế hệ Gen Z.
Lượt quan tâm bắt đầu tăng mạnh khi hình ảnh về buổi diễn tập đầu tiên với đội hình nghi thức và các phương tiện như trực thăng, tiêm kích bay lượn trên bầu trời được chia sẻ rộng rãi.
Bảng xếp hạng hashtag xu hướng 7 ngày gần nhất. Ảnh: TikTok Ads. |
Mức độ quan tâm cho từ khóa “kỷ niệm 50 năm” và “diễu binh 30/4” được xếp vào hạng mục đột phá trên Google. Lượt tìm kiếm đã tăng gấp 2-3 lần trong một tuần trở lại đây. Những từ khóa liên quan bao gồm bài hát Kỷ niệm của nhạc sĩ Phạm Hoài Nam, logo 50 năm giải phóng miền Nam, và một số thông tin khác.
Lượng tìm kiếm trải dài từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, đến các tỉnh thành khác. Đáng chú ý, có đến 58% nội dung thảo luận mang tính kêu gọi tham gia và hơn 50% thể hiện cảm xúc háo hức, tự hào dân tộc.
Điểm giao thoa văn hoá liên thế hệ
Không gian mạng còn là nơi các thế hệ thể hiện niềm tự hào dân tộc theo nhiều cách khác nhau. Nhóm người dùng trẻ đã thể hiện tình yêu đối với lịch sử nước nhà bằng những tên gọi quen thuộc với mình.
Lấy ý tưởng từ văn hóa thần tượng và những sự kiện âm nhạc đình đám tại Việt Nam gần đây, thế hệ Gen Z đã gọi lễ diễu binh 30/4 là “concert của Tổ quốc”.
Hạnh Nguyên (Hạ Long) chia sẻ rằng nhiều bạn trẻ khi đến xem tổng duyệt đã gọi các mô hình trưng bày là “booth concert”, kẹo được chiến sĩ phát thì là “freebies”. Điều này cho thấy lễ diễu binh mừng 30/4 đã trở thành một phần sống động trong văn hóa đại chúng.
![]() |
Nhiều câu chuyện cảm động được kể từ những người đi trước trở nên viral. |
Đối với thế hệ trước, mạng xã hội là công cụ chia sẻ kiến thức lịch sử, cũng như kỷ niệm khó quên. Lượng lớn bài đăng tạo nên dòng lịch sử truyền miệng (oral history), biến không gian mạng trở thành nơi lưu giữ những câu chuyện ý nghĩa.
Nhiều trang mạng cũng khai thác câu chuyện người cựu chiến binh và nhận nhiều chia sẻ từ cộng đồng. An Khánh (Hà Nội) bình luận rằng nhìn hình ảnh các ông, chú khiến bản thân cảm giác như “đang được đứng cùng họ trong dòng chảy lịch sử”.
Nguồn: https://znews.vn/mang-xa-hoi-bung-no-trao-luu-tu-hao-dai-le-304-post1547802.html
Bình luận (0)