Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành Thể thao và kỳ vọng từ việc áp dụng AI

Việc ngành Thể thao Việt Nam vừa công bố hợp tác triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong huấn luyện tại bốn môn trọng điểm là bắn súng, bắn cung, taekwondo, boxing được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá, từ đó áp dụng thêm ở các môn khác.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân09/07/2025

Không thể chậm chân 

Từ nhiều năm gần đây, những nền thể thao lớn trên thế giới đã tận dụng sức mạnh của AI để nâng cao chất lượng huấn luyện, giảm nguy cơ chấn thương và tối ưu hóa hiệu suất thi đấu của vận động viên (VĐV). Ngay ở Đông Nam Á, các nước như Thái Lan và Singapore cũng đã sớm áp dụng các mô hình tích hợp công nghệ trong huấn luyện.

Bản thân các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng nhận ra xu thế này. Năm ngoái, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam khi ấy là ông Đặng Hà Việt cũng đã nhận định, sẽ phải làm và làm sớm việc áp dụng AI vào công tác huấn luyện, quản lý. Chúng ta sẽ xây dựng ngân hàng dữ liệu bảo đảm bảo mật và phân tích các chỉ số từ khối lượng tập luyện, vận động của các VĐV. Việc làm này cần thời gian và ngành Thể thao sẽ tích cực triển khai cũng như có đối tác về công nghệ thực hiện.

Trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh cũng cho hay, chuyển đổi số là cách làm hiệu quả giúp nhà quản lý thể thao bỏ đi sự thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian. Đối với HLV và VĐV thì việc số hóa giúp phân tích tốt hiệu quả của mình, giúp hạn chế tối thiểu nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng như tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc ra quyết định.

Ngành Thể thao và kỳ vọng từ việc áp dụng AI  -0
Các VĐV boxing như Hà Thị Linh sẽ được hỗ trợ từ công nghệ AI.

Thực tế ghi nhận, một số môn thể thao đã sớm áp dụng công nghệ để có phân tích chuyên môn chính xác, không có sự cảm tính trong huấn luyện, thi đấu như bóng đá, golf, bóng chuyền. Nhiều đội thể thao, cá nhân đã trang bị phần mềm phân tích dữ liệu, từ đó có các chỉ số cụ thể nhằm điều chỉnh đấu pháp, cách thức tập luyện và chọn con người phù hợp khi thi đấu. Dù vậy, đây vẫn là cách làm mang tính tự phát, cần một hướng đi cụ thể. Trong khi đó, sự cạnh tranh ở các sân chơi quốc tế, ngay cả SEA Games cũng trở nên quyết liệt hơn rất nhiều. 

Và cũng phải tới giữa năm 2025 này, sau thời gian tìm kiếm, thẩm định năng lực đối tác công nghệ, Cục TDTT mới quyết định hợp tác với Công ty Dreamax thực hiện áp dụng AI vào công tác quản lý, huấn luyện, truyền thông tới cộng đồng người hâm mộ. Trong đó, về huấn luyện, 4 môn được chọn triển khai thí điểm là bắn súng, bắn cung, taekwondo, boxing. 4 môn trên là những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam, đã có VĐV dự Olympic và giành nhiều huy chương trên đấu trường quốc tế. Hiện tại, cả 4 đội tuyển thể thao quốc gia trên đang tập huấn tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao quốc gia. Lộ trình ứng dụng AI được triển khai từ 4 môn trên, sau đó từng bước nhân rộng.

Nhà cung cấp sản phẩm công nghệ tin rằng phần mềm AI trang bị cho các đội thể thao quốc gia lần này sẽ hỗ trợ xử lý dữ liệu của tất cả VĐV từ khi bắt đầu tập luyện cho tới kết quả tại các giải đấu và chỉ số được lượng hóa chi tiết giúp so sánh trình độ với VĐV ở quốc tế. Hệ thống AI được thiết kế để phân tích các yếu tố kỹ thuật chuyên môn như đường bắn, độ trụ, khả năng ra đòn và phòng thủ, đồng thời lượng hóa các chỉ số để đối chiếu với chuẩn mực quốc tế. 

Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt tin rằng, nếu được triển khai đúng cách và có đủ đội ngũ nhân lực làm chủ, AI sẽ không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn trở thành trợ thủ chiến lược, giúp ngành Thể thao Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn mực huấn luyện và thi đấu quốc tế một cách bền vững và an toàn hơn. 

Còn nhiều thách thức

Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt chia sẻ rằng, mục tiêu của việc áp dụng AI trong huấn luyện không dừng ở cấp đội tuyển quốc gia mà còn ở việc liên thông với các đơn vị quản lý các VĐV mà trước hết là các Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao các tỉnh, thành, ngành. Đây là việc làm lâu dài nhưng cần thiết.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề chất lượng của dữ liệu đầu vào. Nếu dữ liệu không phản ánh đúng các yếu tố như độ tuổi, giới tính, điều kiện thể chất của VĐV thì AI hoàn toàn có thể đưa ra kết quả sai lệch, dẫn đến phản tác dụng. Cho nên, điều cần thiết vẫn là có đội ngũ nhân lực đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu này bên cạnh sự phối hợp của các địa phương, ngành. 

Tiếp đó là vấn đề bảo mật dữ liệu, đặc biệt về chỉ số thể trạng, tập luyện, thi đấu của VĐV. Câu hỏi này cũng đã được đặt ra tại nhiều cuộc họp của ngành với đối tác công nghệ. Ngay gần đây, ở buổi công bố của Cục TDTT Việt Nam với Dreamax, vấn đề này tiếp tục được đặt ra. Phía Dreamax tiếp tục khẳng định sẽ bảo đảm được việc bảo mật dữ liệu. 

Nhìn từ thực tế, không ít HLV, VĐV cũng bày tỏ sự háo hức, nhưng đồng thời thận trọng khi nhắc tới yếu tố bảo mật khi áp dụng AI vào huấn luyện. Một HLV boxing cho hay, rất cần công nghệ để nâng thành tích. Nhưng chắc chắn, yếu tố bảo mật phải được phải được coi trọng. Bởi nếu không, VĐV rất dễ bị “bắt bài” khi ra đấu trường quốc tế, công sức huấn luyện, tập luyện của thầy trò cũng bị “đổ bể”.

Một vấn đề khác được lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam nhắc đến là hệ thống AI dù hiện đại đến mấy cũng cần được vận hành bởi đội ngũ có chuyên môn – không chỉ là HLV và VĐV, mà còn là chuyên gia dữ liệu, kỹ sư công nghệ, bác sĩ thể thao và các nhà quản lý. Đây là vấn đề cần được ngành Thể thao sớm hoàn chỉnh để phát huy tối đa hiệu quả của việc áp dụng AI vào công tác huấn luyện. 

Và như nhiều chuyên gia đã nhận định, AI có thể đưa ra những phân tích chính xác, khuyến nghị thông minh, nhưng chính con người – những HLV, chuyên gia, VĐV – mới là người quyết định cách sử dụng thông tin đó ra sao. Chính vì vậy, AI nên được nhìn nhận như một “trợ lý thông minh”, không phải là người thay thế. Nó cung cấp công cụ để con người làm việc chính xác hơn, nhanh hơn, nhưng không thể thay thế trực giác, kinh nghiệm và sự nhạy cảm nghề nghiệp – những điều được tích lũy qua nhiều năm thực hành huấn luyện và thi đấu. Không kể, để ứng dụng AI hiệu quả vào huấn luyện, chính ngành Thể thao cũng cần nâng cấp các mảng việc khác từ khâu dinh dưỡng, áp dụng thành tựu y học thể thao, tổ chức các chuyến thi đấu quốc tế hiệu quả. 

Rõ ràng, với việc áp dụng AI vào huấn luyện, thay vì lệ thuộc vào kinh nghiệm cảm tính, thể thao Việt Nam có thể tiến tới một mô hình khoa học, minh bạch và hiệu quả hơn. Nhưng để làm được điều đó, cần sự đầu tư nghiêm túc, có lộ trình, đánh giá thường xuyên và cam kết đồng hành lâu dài từ cả ngành Thể thao cũng như các đối tác công nghệ.

AI được đưa vào chiến lược phát triển thể thao Việt Nam

Theo nội dung Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành, việc ứng dụng công nghệ hiện đại được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả huấn luyện và thi đấu. Trong đó, ngành Thể thao từng bước ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến sinh học, phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... vào quá trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, xây dựng giáo án tập luyện cá thể hóa, phục hồi sau chấn thương và kiểm soát nguy cơ chấn thương trong thi đấu.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thể thao quốc gia, bao gồm dữ liệu về VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ chuyên môn, kết quả thi đấu, hồ sơ sức khỏe, dinh dưỡng và các thông tin liên quan. (Minh Khuê)

Nguồn: https://cand.com.vn/the-thao/nganh-the-thao-va-ky-vong-tu-viec-ap-dung-ai-i774254/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm