Các chuyên gia cho biết bệnh do não mô cầu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gián tiếp, dùng chung các vật dụng dính mầm bệnh. Lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Liên tiếp ghi nhận các ca bệnh
Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2025, các bệnh viện trên cả nước liên tiếp ghi nhận các ca bệnh do não mô cầu nặng, đã có ca tử vong.
Trong đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận quân nhân 24 tuổi tử vong do ngừng tuần hoàn, sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị cho thiếu niên 17 tuổi chưa tiêm vắc xin mắc não mô cầu nguy kịch, biến chứng viêm cơ tim và nhồi máu não. 74 ca tiếp xúc gần được theo dõi tình hình sức khỏe.
Trước đó, một bệnh nhi 7 tuổi ở xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn hôn mê, ngừng tuần hoàn do não mô cầu chỉ sau vài giờ nhập viện.
Theo các chuyên gia, trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu cao hàng đầu do hệ miễn dịch non yếu, chưa hoàn thiện.
Trẻ thường có thói quen bò trên sàn nhà, cho tay hoặc các đồ vật cầm nắm được vào miệng, sinh hoạt ở khu vui chơi, nhà trẻ cùng nhiều trẻ khác nên tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), số người mang vi khuẩn não mô cầu không có biểu hiện triệu chứng chiếm từ 5-25%.
Đây là nguồn lây khó kiểm soát và đặc biệt nguy hiểm cho trẻ khi người lớn hoặc trẻ lớn trong gia đình mang trùng hôn, ôm, nói chuyện gần với trẻ.
Bệnh do não mô cầu có thể gây tử vong trong 24 giờ với nhiều biến chứng nặng nề như: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim...
Triệu chứng sớm của bệnh do não mô cầu giống với cúm và là một thử thách cho việc chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm. Có đến 20% trường hợp sống sót đối mặt nhiều di chứng như cắt cụt tay chân, điếc, động kinh, thiểu năng trí tuệ…
Đáng chú ý, tình trạng mất thính lực phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi so với trẻ lớn hơn. Các di chứng như rối loạn cơ xương, suy giảm khả năng học tập và suy thận có thể xuất hiện nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm sau khi bị mắc bệnh.
Bên cạnh các di chứng nặng, bệnh do não mô cầu còn gây tốn kém chi phí điều trị và hồi phục sau bệnh lên đến hàng tỉ đồng. Bệnh còn mang lại gánh nặng tinh thần, tâm lý cho gia đình, người chăm sóc như rối loạn căng thẳng sau sang chấn và rối loạn tâm thần.
Cần chủ động phòng bệnh
Các chuyên gia khuyến cáo cần chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ cũng như các thành viên trong gia đình là cách đẩy lùi bệnh do não mô cầu.
Các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu phổ biến là A, B, C, W, Y đã có vắc xin phòng ngừa tại Việt Nam gồm vắc xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Cần phòng ngừa đầy đủ cả 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Một nghiên cứu tại Mỹ về tỉ lệ tử vong theo nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu được báo cáo trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, nhóm W có tỉ lệ tử vong cao nhất, chiếm 21,5%, tiếp theo là nhóm C, Y và B với lần lượt 14,6%, 9,8% và 9,6%.
Từ khi đưa vào sử dụng, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 đã giúp giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở nhóm thanh thiếu niên do các nhóm huyết thanh chính C, Y, W.
Bên cạnh đó, gia đình áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác như không tiếp xúc với người có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Phụ huynh cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, che chắn miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi…
Đọc tiếpVề trang Chủ đề
P.N
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngua-benh-tu-24-gio-do-nhiem-nao-mo-cau-o-tre-nho-2025042219431279.htm
Bình luận (0)