Một sáng cuối tuần, chị Lê Thị Thảo (28 tuổi) sắp xếp công việc đồng áng để đưa con gái đầu lòng, bé A.T. (7 tuổi), ra Trung tâm học tập cộng đồng, thị trấn Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) để khám tầm soát miễn phí tim bẩm sinh.
Đây là hoạt động được Liên Chi hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh TPHCM tổ chức đều đặn ở các địa phương vùng sâu vùng xa trong nhiều năm qua.
"Con gái tôi bị tim bẩm sinh, mới phẫu thuật khoảng hơn một năm trước, mổ xong chỉ tái khám và kiểm tra ở bệnh viện huyện vì gia đình không có điều kiện đi xa. Nghe tin có bác sĩ ở thành phố xuống khám, tôi bận mấy cũng phải sắp xếp đưa con đi kiểm tra", người mẹ trẻ chia sẻ.

Sau khi con phẫu thuật, chị Thảo vẫn áy náy vì chưa thể đưa bé đi tái khám tại TPHCM (Ảnh: Diệu Linh).
Tảng đá trong lòng người mẹ nghèo
Hơn 7 năm trước, khi đang mang thai bé, chị Thảo bất ngờ nghe tin con bị tim bẩm sinh khi đi siêu âm. Khi ấy vợ chồng chị mới cưới, làm nông, kinh tế khó khăn. Nhiều đêm, người mẹ trẻ khóc thầm, không ngủ được vì lo lắng cho tương lai.
Ngày bé A.T ra đời, chị Thảo cắn răng để con ở bệnh viện điều trị. Sau nửa tháng, bệnh tình con gái vẫn không thuyên giảm, chị đành ôm bé về nhà, bắt đầu hành trình nhiều năm cho con uống thuốc.
Những ngày tháng ấy, con gái chị vẫn lớn lên, vẫn bi bô tập nói, tập đi như những đứa trẻ bình thường. Nhưng chị luôn biết, trong lồng ngực bé bỏng ấy là một trái tim cần được chữa lành.
"Từ bé đến giờ, con vẫn phát triển bình thường, không có dấu hiệu gì như khó thở hay đau tim. Nếu không nói ra, không ai biết con có bệnh", chị Thảo nhớ lại.
Khi bé T. hơn 5 tuổi, gia đình bớt khó khăn, chị Thảo đưa con lên TPHCM khám tim. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, con gái chị được kết luận hở van tim và sắp xếp lịch mổ ngay sau đó.
"Tôi mừng, nhưng lo nhiều hơn. Ban đầu, bệnh viện thông báo chi phí phẫu thuật lên đến 15 triệu đồng, một số tiền quá lớn so với kinh tế gia đình. Nhưng may thay, bảo hiểm y tế chi trả phần lớn, chúng tôi cũng đỡ nhiều", chị Thảo nhớ lại.
Khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công, trái tim treo lơ lửng của người mẹ như được hạ xuống. Đối với người mẹ nghèo như chị, đó không chỉ là sự hồi phục sức khỏe của con, mà còn là một phép màu, một sự giải thoát khỏi gánh nặng tâm lý và kinh tế suốt bao năm.
Giờ đây, sau hơn một năm phẫu thuật, chị Thảo và bé có cơ hội gặp lại một trong những người thầy thuốc đã giúp đỡ 2 mẹ con trước đây - TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên Chi hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh TPHCM, Trưởng đơn vị Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Nhi đồng 1.
"Dù số lượng người đến khám rất đông, thời gian hạn hẹp, bác Tín vẫn gọi tôi vào để trao đổi thêm về tình trạng của con gái. Qua hình ảnh siêu âm, bác chỉ cho tôi thấy trái tim đang đập khỏe mạnh trong lồng ngực con. Dù đã nghe tin này trước đây, nhưng đến khi được tận mắt nhìn thấy, tôi mới trút bỏ được gánh nặng cả năm qua", chị chia sẻ.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín siêu âm tim cho trẻ em nghèo trong chuyến khám bệnh tình nguyện tại Long An (Ảnh: Diệu Linh)
Hơn 50.000 đứa trẻ được tầm soát tim bẩm sinh
Bé A.T. là một trong hàng nghìn trẻ em may mắn được phát hiện mắc bệnh tim, hỗ trợ điều trị hoặc theo dõi sau can thiệp nhờ hoạt động tầm soát tim bẩm sinh miễn phí. Hoạt động này được tổ chức mỗi tháng 1-2 lần, dưới sự khởi xướng của tiến sĩ Đỗ Nguyên Tín.
Hơn 10 năm qua, chưa một lần bác sĩ Tín vắng mặt trong đợt khám nào. Gắn bó với hoạt động này sau nhiều năm, vị bác sĩ không thể quên những ngày đầu tiên một mình xách máy siêu âm cầm tay đi tầm soát cho từng đứa trẻ.
"Hồi ấy, vì thích quá, tôi chạy vạy mua máy siêu âm cầm tay giá tới 75.000 USD. Thời gian đầu, tôi chủ yếu dùng máy để khám cho người thân và bà con ở quê. Qua đó, tôi mới thấy được nhu cầu khám chữa bệnh tim mạch ở người dân vùng xa xôi là rất cao, đặc biệt là những đứa trẻ có gia cảnh không được đủ đầy", bác sĩ kể.
Đến khoảng thời gian sau đại dịch, hoạt động khám tầm soát bệnh mới thu hút một số bác sĩ trẻ trong Liên Chi hội cùng tham gia. Nhiều địa phương và đơn vị vì thế cũng biết đến và hỗ trợ.
Với tinh thần làm hết sức để đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh, hoạt động khám tim tình nguyện không chỉ tầm soát bệnh cho người dân. Các bé không may được phát hiện có bệnh sẽ được hỗ trợ lên các trung tâm tim mạch lớn ở TPHCM để kiểm tra chuyên sâu và điều trị.
Tính đến nay, hoạt động này đã sàng lọc cho khoảng hơn 50.000 trẻ em. Trong đó, khoảng 400-500 trẻ đã được phát hiện có vấn đề về tim bẩm sinh. Nhiều bệnh nhi trong số đó đã được hỗ trợ điều trị, trở lại cuộc sống bình thường.

Hơn 50.000 trẻ em đã được tầm soát tim bẩm sinh nhờ chương trình tình nguyện của Liên Chi hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh TPHCM (Ảnh: Diệu Linh).
Theo bác sĩ Tín, hoạt động khám tình nguyện không chỉ góp phần giúp đỡ các trẻ em và gia đình. Với các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ, đây cũng là cơ hội giúp họ nhìn thấy và thấu hiểu cuộc sống của người dân nghèo.
"Càng nhìn, càng lắng nghe, tôi càng đồng cảm nhưng cũng không ít lần trăn trở về những gánh nặng của họ", bác sĩ Tín tâm sự.
Những đứa trẻ có bệnh nhưng không thể chữa
Là chuyên gia tim mạch nhi hàng đầu, bác sĩ Tín từng thông tim cho rất nhiều ca bệnh khó. Nhưng với ông, các ca khó nhất lại là những trẻ có bệnh nặng nhưng gia đình không có điều kiện chạy chữa, phải phó mặc bệnh tật cho trời.
"Đợt ấy, tôi khám cho một cậu bé ở Bình Phước, bị tim nặng lắm. Dù được thuyết phục hết lời, gia đình bé vẫn bày tỏ quan điểm không đưa con lên TPHCM điều trị vì nhà không có tiền", vị bác sĩ nhớ lại.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (giữa) trong một ca can thiệp tim mạch cho thai nhi (Ảnh: BV).
Hơn 10 năm qua, những trường hợp tương tự bé trai ở Bình Phước là không hề ít. Rất nhiều gia đình dù được hỗ trợ hoàn toàn chi phí điều trị, phẫu thuật vẫn từ chối cơ hội trị bệnh cho con.
"Không phải gia đình không thương con, nhưng tôi hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền của họ. Đưa con đi khám đồng nghĩa với việc ít nhất một trụ cột kinh tế trong gia đình sẽ phải nghỉ làm, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống những thành viên khác trong nhà", bác sĩ Tín chia sẻ.
Cũng vì những lý do này, nhiều đứa trẻ có dấu hiệu bệnh tim nhưng không thể đi khám. Chỉ đến khi các bác sĩ về tận làng, các bé mới được phát hiện có bệnh. Lúc này, trẻ có thể đã ở trong tình trạng nặng, rất khó điều trị khỏi hoàn toàn, thậm chí tiên lượng xấu. Với những trường hợp này, dù rất tiếc, bác sĩ Tín cũng đành "bó tay".
Theo bác sĩ Tín, để giảm bớt những ca bệnh tương tự, chính quyền địa phương cần tăng cường kết nối lẫn nhau và với Liên Chi hội để mở rộng quy mô khám. Đồng thời, nhóm này cũng cần nhanh nhạy nắm bắt hoàn cảnh gia đình các bệnh nhi, góp phần trong việc gây quỹ hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho gia đình người bệnh khi đi khám tại TPHCM.
Vị bác sĩ cho hay, ông và các đồng nghiệp sẽ cố gắng duy trì hoạt động khám tim tình nguyện càng lâu càng tốt. Ông cũng hy vọng tinh thần "y khoa dấn thân" có thể được các bác sĩ trẻ tiếp nối và lan rộng trong nhiều năm sau.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/hon-mot-thap-ky-go-cua-tung-lang-de-lang-nghe-nhip-tim-tre-nho-20250423102319896.htm
Bình luận (0)