Nắm bắt được lợi ích của thương mại điện tử cũng như xu hướng phát triển, các doanh nghiệp, thương nhân, hộ sản xuất… đã nhanh chóng nắm bắt để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, giảm được chi phí và thời gian. Còn khách hàng (doanh nghiệp, người tiêu dùng) có thể dễ dàng tiếp cận nguồn hàng đa dạng ở nhiều nơi mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian, từ đó quyết định đặt mua tiện lợi và nhanh chóng chỉ với một vài thao tác trên điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet. Mua sắm qua mạng đã trở nên phổ biến ở khắp các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang. Ảnh: Mai Toan. |
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang là doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp xu hướng phát triển công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh việc đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm là giấy, khăn ăn, giấy vệ sinh nhãn hiệu “Xương Giang”, “Paper XG” và “Posy”, Công ty sớm tiếp cận để quảng bá và bán hàng trên sàn giao dịch Shopee và Tiktok. Năm 2023, doanh số bán hàng thu được qua các sàn này là 2,8 tỷ đồng, năm sau tăng cao, đạt hơn 30 tỷ đồng và dự kiến năm nay sẽ cán mốc 100 tỷ đồng.
Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty khẳng định, ứng dụng thương mại điện tử là tất yếu, làm tăng cơ hội kinh doanh vì có thể tiếp cận khách hàng khắp thế giới, mở rộng quy mô mà không cần phải đầu tư lớn vào hạ tầng, hệ thống phân phối, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và nhiều chi phí cố định khác…
Những năm gần đây, Bắc Giang luôn đứng trong nhóm tỉnh, thành phố có chỉ số đánh giá về thương mại điện tử tương đối cao của cả nước, tăng trưởng bình quân đạt 17,6%/năm. Hiện trên địa bàn đã có 118 website của doanh nghiệp, thương nhân đăng ký trên hệ thống dữ liệu website của Bộ Công Thương. Rất nhiều doanh nghiệp, thương nhân, cá nhân… thực hiện mua, bán, giao dịch trên các sàn gia dịch lớn trong nước như: Shopee, TiKi, Lazada, Sendo, Buudien; sàn nước ngoài gồm: Amazon.com, Taobao.com…; mạng xã hội: facebook, Tiktok, Zalo…
Sản phẩm giấy Posy được quảng cáo bán hàng trên Tiktok. |
Theo Sở Công Thương, tất cả sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Năm 2024, báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) của Bắc Giang đứng thứ 17, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở vị trí 22, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc.
Thương mại điện tử đã và đang là loại hình kinh doanh quan trọng, ngày càng phổ biến, chi phối các hoạt động kinh tế và có ảnh hưởng lớn, làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Kết quả khảo sát một bộ phận người dân của một trường đại học cho thấy, có 81% khẳng định mua sắm trực tuyến là thói quen không thể thiếu mỗi ngày, tỷ lệ người mua sắm qua kênh này mỗi tuần ít nhất 1 lần ở mức 59%. Tuy nhiên, cũng giống như các loại hình kinh doanh khác, thương mại điện tử có những rủi ro với khách hàng.
Chỉ trong năm 2023, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận gần 300 đơn thư khiếu nại, phản ánh từ người dân, trong đó hơn 60% liên quan đến giao dịch thương mại điện tử. Tình trạng người tiêu dùng mua hàng qua mạng nhận được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp bị lừa tiền.
Trong những ngày đầu tháng 4 này, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 3 hộ kinh doanh: T.M.T ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), N.T.A ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) và N.T.Đ ở phường Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang) bán hàng online trên mạng nhưng hàng hóa (khoảng 4 nghìn sản phẩm giày dép, mỹ phẩm, linh kiện điện tử) không có nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn hiệu và không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Khách dễ dàng mua hàng nhưng chất lượng không như giới thiệu, việc đổi trả khó khăn hoặc không liên lạc được với bên bán, nhiều trường hợp chuyển tiền mà không nhận được hàng và cũng không biết chủ hàng ở đâu để giải quyết tranh chấp.
Mới đây, Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo về phòng, ngừa rủi ro trong thương mại điện tử. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều sàn thương mại, mạng xã hội hoạt động kinh doanh chưa có chính sách rõ ràng; kinh doanh nhưng không đăng ký; còn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, “giới thiệu một đằng nhưng giao hàng một nẻo”. Đa số trường hợp sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh để liên lạc, thuê các kênh Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok... quảng cáo sản phẩm, hàng hóa trong khi quản lý của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn, chưa kiểm soát hết việc các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng theo đúng quy định trên nền tảng số.
Về phía người tiêu dùng mua hàng nhưng không kiểm tra kỹ càng tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh; số điện thoại liên lạc; trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng; chất lượng hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng; phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt khi nhận hàng); phương thức giao hàng; thời hạn giao hàng… Vì vậy, để mua hàng trên nền tảng số bảo đảm chất lượng và an toàn, người tiêu dùng phải hiểu rõ luật pháp để tự bảo vệ mình. Các chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo của Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/ngua-rui-ro-khi-tham-gia-thuong-mai-dien-tu-postid416597.bbg
Bình luận (0)