Anh Nguyễn Tiến Tùng (người đứng giữa) không chỉ truyền dạy đam mê Voviam mà còn lồng ghép vào đó những bài học kỹ năng mềm, giúp học trò ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống. |
Từ cậu bé mê võ thuật
Anh Tùng gây ấn tượng ngay với chúng tôi từ cái nhìn đầu tiên với dáng người rắn rỏi, săn chắc - thành quả của hơn 20 năm kiên trì rèn luyện võ thuật. Hơn 20 năm trước, ở mảnh đất Lục Yên (Yên Bái), nơi những dãy núi đá vôi sừng sững ôm lấy những thửa ruộng bậc thang, Nguyễn Tiến Tùng là một cậu bé 10 tuổi gầy gò, xanh xao, luôn khổ sở vì những cơn hen suyễn.
Một ngày nọ, Tùng tình cờ xem trên ti vi một phóng sự về các thanh, thiếu niên tập võ Vovinam. Những thế võ đẹp mắt, những đường quyền dứt khoát, mạnh mẽ như có một sức hút kỳ lạ đối với cậu bé ốm yếu. Năm ấy, biết ở tỉnh có mở câu lạc bộ dạy Vovinam, cậu năn nỉ bố mẹ cho đi học. Mỗi tuần ba buổi, Tùng đạp xe vượt chặng đường 10km đến nơi tập. Mùa hè oi ả, cậu về nhà với chiếc áo đẫm mồ hôi, mùa đông rét cắt da, đôi bàn tay cậu tê cóng bám chặt vào ghi-đông xe đạp.
Sau một năm kiên trì tập luyện võ cổ truyền, điều kỳ diệu đã đến. Cơ thể cậu đã trở nên dẻo dai, bệnh hen suyễn cũng dần dần biến mất. Môn võ Vovinam không chỉ giúp Tùng có sức khỏe mà còn dạy cậu về ý chí và sự bền bỉ. Qua nhiều giải đấu, nhận thấy năng khiếu đặc biệt của cậu, các thầy trong đội tuyển đã đưa Tùng vào tập luyện cùng các vận động viên thi đấu của tỉnh. Năm 2010, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc ở Cần Thơ, Tùng trở thành kiện tướng quốc gia môn Vovinam, mang vinh dự về cho tỉnh Yên Bái, cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong hành trình võ thuật của mình.
Đến người thầy lan tỏa Vovinam
Năm 2011, Tùng thi đỗ vào Khoa Giáo dục Thể thao, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Ở đây, sịnh viên Tùng gặp thầy Võ Xuân Thủy - một người thầy đáng kính, dành trọn tâm huyết cho sự phát triển của Vovinam trong tỉnh. Chính thầy Thủy là người đã định hướng cho Tùng về một con đường mới: Truyền bá Vovinam đến thế hệ trẻ.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP. Thái Nguyên) biểu diễn võ thuật trong Hội thi “Võ nhạc Vovinam” của Nhà trường (tháng 3-2025). |
Nhờ thầy Thủy, Tùng hiểu sâu hơn về Vovinam, một môn thể thao cũng là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc, là sự kết tinh từ lịch sử đấu tranh giữ nước của ông cha. Không chỉ là những đòn thế đẹp mắt, Vovinam còn chứa đựng tinh thần Việt võ đạo - một triết lý sống đề cao tinh thần thượng võ, sự kiên trì, lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng. Càng tìm hiểu, Tùng càng say mê môn võ này.
Tốt nghiệp ra trường, Tùng quyết định ở lại, trở thành giảng viên thể chất tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Thái Nguyên. Với tâm huyết của mình, thầy giáo Tùng đã góp phần đưa Vovinam trở thành môn học thể dục bắt buộc tại trường từ năm 2022. Không còn là một câu lạc bộ ngoại khóa nhỏ lẻ, giờ đây, từng thế võ, từng bài quyền đã trở thành một phần trong chương trình đào tạo chính thức.
Không chỉ giảng dạy trong trường, thầy Tùng còn cùng các thầy giáo dạy miễn phí cho sinh viên, góp phần xây dựng phong trào Vovinam ở các trường đại học, cao đẳng tại Thái Nguyên. Hiện, thầy là Phó bộ môn Vovinam của tỉnh, thuộc Liên đoàn Võ thuật tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp huấn luyện và đào tạo các giáo viên thể chất, học viên yêu thích võ thuật. Dưới sự hướng dẫn của thầy, nhiều học trò đã trở thành huấn luyện viên, giảng dạy Vovinam, góp phần lan tỏa bộ môn này trong học đường.
Hiện tại, Thái Nguyên có khoảng 80 câu lạc bộ Vovinam với hơn 5.000 võ sinh, phần lớn là học sinh, sinh viên. Anh Tùng cùng các giảng viên không chỉ dạy võ mà còn lồng ghép vào đó những bài học kỹ năng mềm, giúp học trò ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống.
"Tôi muốn học sinh không chỉ học võ mà còn hiểu được tinh thần võ đạo - đó là sự kiên trì, kỷ luật và lòng nhân ái, đúng với tinh thần mà người sáng lập Vovinam - võ sư Nguyễn Lộc từng đề cao”. - anh Tùng tâm sự.
Trong câu chuyện với thầy giáo Tùng, chúng tôi phát hiện một điều khá đặc biệt. Không chỉ mang lại sức khỏe và sự nghiệp, Vovinam còn là sợi dây kết nối tình yêu của thầy. Trong những năm giảng dạy Vovinam ở các câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh, thầy gặp cô học trò Nguyễn Thị Kim Phượng. Và rồi, từ những bước chân đồng điệu trên thảm tập, từ những cú đấm mạnh mẽ nhưng lại dịu dàng, họ đã tìm thấy tình yêu dành cho nhau.
Một bức ảnh trong bộ ảnh cưới mang tên "Vovinam – cầu nối tình yêu" của cặp đôi Nguyễn Tiến Tùng và Nguyễn Thị Kim Phương thực hiện năm 2017. |
Năm 2017, cặp đôi này quyết định thực hiện một bộ ảnh cưới đặc biệt mang tên "Vovinam - cầu nối tình yêu". Xem bộ ảnh này, chúng tôi thấy thật xúc động khi nhìn hình ảnh hai vợ chồng khoác lên mình bộ võ phục xanh dương truyền thống, thực hiện những thế võ uyển chuyển bên nhau.
Từ cậu bé gầy gò ở Yên Bái, Nguyễn Tiến Tùng đã trở thành một người thầy đầy tâm huyết, mang trên vai sứ mệnh lan tỏa Vovinam đến thế hệ trẻ. Thầy tâm niệm, võ thuật không chỉ là đòn thế, mà còn là một cách sống, một con đường để rèn luyện bản thân và đóng góp cho xã hội. Với anh, môn võ này cũng là một phần văn hóa truyền thống của dân tộc Việt cần được gìn giữ, phát triển. Bởi thế mà mỗi ngày, anh vẫn cùng các võ sư kiên trì lan tỏa, góp phần gieo hạt giống đam mê Vovinam trong lòng hàng nghìn học sinh, sinh viên trên mảnh đất “Đệ nhất danh Trà”.
Những nỗ lực của anh Tùng đã được ghi nhận qua nhiều Giấy khen của các cấp, ngành, Liên đoàn Võ thuật Thái Nguyên. Nhưng với anh, phần thưởng lớn nhất chính là niềm vui khi nhìn thấy những ánh mắt hạnh phúc của học trò khi tìm thấy niềm đam mê trong từng cú đấm, thế võ; là chứng kiến sự trưởng thành của từng học viên từ rụt rè trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn, kiên trì vượt qua khó khăn sau khi học bộ môn võ này…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202504/nguoi-thay-voi-su-menh-lan-toa-vovinam-trong-hoc-duong-4010e7b/
Bình luận (0)