Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những con số khổng lồ của y tế TPHCM sau sáp nhập

(Dân trí) - Sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, hệ thống y tế TPHCM đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của 14 triệu dân.

Báo Dân tríBáo Dân trí10/07/2025

Thông tin được các lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thông tin trong Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành y tế thành phố, diễn ra chiều 9/7.

Sau sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, dân số TPHCM tăng từ gần 10 triệu lên khoảng 14 triệu, diện tích tăng từ hơn 2.000km2 lên 6.700km2.

Sự gia tăng về quy mô này đi đôi với dự báo về nhu cầu khám chữa bệnh. Sở Y tế dự kiến số lượt khám bệnh hàng năm sẽ tăng vọt từ trên 42 triệu lượt lên trên 51 triệu lượt. Tương tự, số lượt điều trị nội trú cũng sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt lên trên 3,8 triệu lượt mỗi năm.

Những con số khổng lồ của y tế TPHCM sau sáp nhập - 1

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân TPHCM tăng mạnh sau sáp nhập (Ảnh minh họa: Bảo Quyên).

Dự kiến, TPHCM sẽ cung ứng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.

Hiện, TPHCM mới có 164 bệnh viện với 14 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, 32 bệnh viện đa khoa công lập, 28 bệnh viện chuyên khoa công lập và 90 bệnh viện ngoài công lập (73 tại TPHCM cũ, 15 tại Bình Dương, và 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tổng số giường bệnh cũng tăng từ 41.000 lên 49.792 giường sau hợp nhất. Theo BSCKII Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, điều này kéo theo tỷ lệ giường bệnh/vạn dân giảm xuống, từ 42 xuống còn 35.

"Trung bình, dân số cứ tăng 1 triệu dân lại cần 3.500 giường bệnh để duy trì  được 35 giường bệnh/vạn dân. Điều này đòi hỏi phải đầu tư rất là lớn về hệ thống bệnh viện đa khoa", ông Nam nhấn mạnh.

Hiện tại, TPHCM có một số bệnh viện sắp đưa vào hoạt động, có thể giúp giải quyết tình trạng này như Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (diện tích 16ha, quy mô 1.500 giường, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026); Bệnh viện An Bình (hoàn thành giai đoạn 2, chuẩn bị đưa vào hoạt động); Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa và Vũng Tàu.

Mạng lưới phòng khám tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn với 10.627 phòng khám, trong đó 417 phòng khám đa khoa. Cùng với đó là 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc, đảm bảo cung ứng thuốc men đầy đủ cho người dân. 

Ngoài ra, TPHCM mới cũng sẽ có 38 trung tâm y tế (TTYT). Trong đó, TPHCM cũ có 22 trung tâm (18 không giường bệnh, 4 có giường bệnh), Bình Dương có 9 trung tâm (8 có giường bệnh, 1 không giường bệnh), Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 trung tâm (5 có giường bệnh, 2 không giường bệnh).

Số trạm y tế (TYT) sẽ tăng lên 168 trạm và 298 điểm y tế. 

Theo định hướng mới của Bộ Y tế sẽ có rất nhiều phòng chức năng, như một bệnh viện quy mô nhỏ, phải có tổng diện tích tối thiểu 500m2. Tuy nhiên, hiện tại, TPHCM chỉ có 164 trạm đạt tiêu chuẩn.

Định hướng sắp tới, Sở sẽ quy hoạch thêm TYT đạt chuẩn diện tích theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với hệ thống trung tâm không giường bệnh, trước hợp nhất, TPHCM có 5 trung tâm (Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định pháp y, Trung tâm Kiểm định xét nghiệm, Trung tâm Y khoa).

Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh có 3 trung tâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Y khoa).

Theo kế hoạch, Sở sẽ hợp nhất thành 5 trung tâm trong thời gian tới (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Y khoa, Trung tâm Cấp cứu 115 và Trung tâm Kiểm định xét nghiệm), theo Nghị định 147, 148 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội cũng được mở rộng với 110 trung tâm, trong đó có 15 trung tâm công lập và 95 trung tâm ngoài công lập.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-con-so-khong-lo-cua-y-te-tphcm-sau-sap-nhap-20250709192424980.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm