Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ninh Bình hướng đến trung tâm du lịch di sản – sinh thái tầm quốc tế

Sau khi hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình - vùng đất văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ giàu truyền thống, không gian du lịch mới được mở rộng cả về địa lý lẫn bản sắc, tạo điều kiện để hình thành một trung tâm du lịch tổng hợp, có chiều sâu văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch14/07/2025

Hợp lực thành thế mạnh

3 tỉnh hợp nhất vốn đều thuộc không gian văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, 3 địa phương vẫn giữ những hệ sinh thái du lịch riêng biệt, tạo ra sự bổ sung hoàn hảo sau hợp nhất.

Hà Nam nổi bật với hệ sinh thái chiêm trũng và danh thắng nổi tiếng như Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Bát Cảnh Tiên… cùng kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, lễ hội truyền thống đặc sắc và các làng nghề thủ công nổi tiếng.

Ninh Bình hướng đến trung tâm du lịch di sản – sinh thái tầm quốc tế - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An là hình mẫu tiêu biểu của thế giới về sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản, đặc biệt là trong phát triển du lịch bền vững.

Nam Định tự hào với 72km đường bờ biển và hệ sinh thái đất ngập mặn tiêu biểu - đặc biệt là Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích lịch sử và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tạo nên một “bảo tàng sống” về văn hóa đồng bằng.

Ninh Bình giữ vai trò trung tâm với Quần thể danh thắng Tràng An - di sản kép đầu tiên của Việt Nam. Cùng với chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương và Vân Long,…

Sau hợp nhất, diện tích Ninh Bình mới tăng gấp 3 lần, kéo dài đường bờ biển lên 87km, mở rộng đáng kể dư địa phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, biển - đảo, sinh thái ven biển và du lịch nông thôn.

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, việc hợp nhất 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đang mở ra những cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, tạo đột phá cho sự phát triển liên vùng. Ninh Binh hội tụ đầy đủ điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hoà” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ngành du lịch hiện đang tham mưu để đánh giá lại những tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản… để bổ sung cho những định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Trước mắt, sẽ xác lập các trục di sản liên tỉnh như: Tràng An-Bái Đính-Tam Chúc-Đền Trần-Phủ Dầy-Xuân Thủy, hình thành chuỗi liên kết vùng bền vững, hấp dẫn. Ngành du lịch đang tham mưu điều chỉnh quy hoạch các khu du lịch quốc gia, phát triển sản phẩm du lịch Net Zero gắn với thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng lõi rừng ngập mặn Kim Sơn - Giao Thủy, Vườn quốc gia Cúc Phương - Vân Long.

Bảo tồn giá trị địa danh - giữ hồn văn hóa vùng đất

Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Bùi Văn Mạnh, cần vượt qua những “lối mòn” tư duy cũ: phát triển đơn tuyến, phân tán theo địa giới hành chính. Một chiến lược tổng thể cho toàn vùng, kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các điểm đến là yêu cầu cấp thiết.

Bà Dương Thị Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Việc phát triển du lịch không thể chỉ chạy theo quy hoạch địa giới mới, mà cần lồng ghép câu chuyện văn hóa - nhân văn để tạo điểm đến có chiều sâu, giàu trải nghiệm”.

Theo bà Dương Thị Thanh, bên cạnh phát triển không gian mới, cần gìn giữ những biểu tượng văn hóa gắn với địa danh cũ như: Phủ Lý, Hoa Lư, Nho Quan, Xuân Thủy, Giao Thủy… Đây không chỉ là tên gọi hành chính, mà còn là ký ức văn hóa, lịch sử và niềm tự hào của người dân địa phương.

Mới đây, Ninh Bình đưa ra dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2045, mục tiêu đặt ra là xây dựng tỉnh Ninh Bình mới trở thành trung tâm du lịch quốc gia, từng bước vươn tầm quốc tế với 4 trục phát triển cốt lõi: Trục di sản văn hóa tôn giáo lịch sử; Trục di sản thiên nhiên sinh thái bảo tồn; Trục du lịch nông thôn cộng đồng ven biển; Trục du lịch sáng tạo công nghệ cao văn hóa đương đại.

Mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình đón 25 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 25.700 tỷ đồng, có từ 15-20 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao; đến năm 2045 trở thành trung tâm du lịch xanh - thông minh - văn minh, là cực tăng trưởng du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/ninh-binh-huong-den-trung-tam-du-lich-di-san-sinh-thai-tam-quoc-te-20250714095321762.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm