Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2024)
Bức tranh văn hóa đa sắc màu
An Giang - vùng đất giàu bản sắc, nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... Mỗi cộng đồng đều có nét văn hóa độc đáo riêng, như lễ hội dân gian, tôn giáo; lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Dolta, Ok Om Bok, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Nguyễn Trung Trực… Cùng với nhiều làng nghề truyền thống (thêu, dệt thổ cẩm Chăm, làm nước mắm Phú Quốc…) và kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc (Đờn ca tài tử Nam Bộ, múa Romvong, hát dù kê, sân khấu rối Khmer...) cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc trong không gian rộng lớn từ miền núi, biên giới đến biển, đảo đặc sắc. Sự đan xen này còn là tiềm năng lớn để An Giang phát triển, các loại hình du lịch (DL) văn hóa và giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Các nhà nghiên cứu văn hóa còn cho rằng, khi địa giới hành chính được sắp xếp lại, các nguồn lực đầu tư cho văn hóa được tối ưu hơn, đặc biệt là đầu tư các thiết chế văn hóa quy mô hơn, công tác bảo tồn di sản được thực hiện bài bản. Giá trị bản sắc văn hóa các địa phương từ đó cũng thích nghi, phát triển hơn. “Việc sáp nhập không hề làm mất bản sắc của từng địa phương, mà còn hình thành nên một An Giang có không gian văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và năng động nhất vùng Tây Nam Bộ. Sáp nhập cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà quản lý Nhà nước về tầm nhìn về văn hóa rộng hơn, tôn trọng sự đa dạng và phát huy giá trị riêng của từng vùng hài hòa hướng đến không gian “đại đoàn kết” và phát triển bền vững” - ThS Nguyễn Hoàng Thiên, giảng viên Trường Đại học Kiên Giang nhận định.
Hướng tới không gian văn hóa phát triển bền vững
Phát huy giá trị văn hóa sau sáp nhập không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa trong công tác bảo tồn di sản, mà còn là giải pháp chiến lược để xây dựng bản sắc mới đa dạng, gắn kết và phát triển bền vững hơn. Bởi, khi văn hóa phát triển đúng hướng sẽ trở thành nền tảng vững chắc, tạo động lực phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Thiên, để phát huy giá trị, bản sắc văn hóa trong tình hình mới, trước tiên cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý. Trong đó, cần chú trọng công tác bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa từng vùng; công tác giao lưu, liên kết vùng văn hóa; câu chuyện khai thác văn hóa trong phát triển kinh tế DL… Ngoài ra, An Giang có thể nghiên cứu thành lập Trung tâm Văn hóa dân tộc Khmer, Chăm, Hoa... là nơi gìn giữ, trưng bày, giáo dục và truyền dạy văn hóa truyền thống. Tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc luân phiên giữa các địa phương để tăng cường hiểu biết, đoàn kết cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách văn hóa mang tính dung hòa, nhất là phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa để tư vấn chính sách phát triển.
Ở góc độ DL, Giám đốc Sở DL Bùi Quốc Thái cho rằng, với hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phong phú tạo cho An Giang nhiều tiềm năng phát triển DL cộng đồng, DL sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa dân gian chạy dài từ Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú đến tận Kiên Lương, Hòn Đất, Hà Tiên, các quần đảo Nam Du, Hải Tặc, An Thới… Ngoài ra, ngành DL còn có thể tập trung xây dựng các tuyến DL liên kết theo chủ đề “Hành trình văn hóa Khmer - Chăm - Hoa - Kinh” để hình thành sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách… “Hệ thống di sản, giá trị bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển DL. Vì vậy, thời gian qua, ngành thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về DL văn hóa, DL cộng đồng cho người dân; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các điểm đến văn hóa hoặc khu vực lân cận để phát triển DL văn hóa, kể cả các loại hình DL khác; chú trọng khai thác DL gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến DL văn hóa… thu hút du khách đến An Giang tham quan, trải nghiệm” - ông Thái nói.
Để phát huy giá trị bản sắc văn hóa, các nhà nghiên cứu gợi ý tỉnh nên tổ chức các ngày hội văn hóa vùng miền, các festival quy mô cấp tỉnh nhằm tạo không gian giao lưu, gắn kết cộng đồng và tạo điều kiện để nâng tầm các sự kiện thành di sản văn hóa cấp quốc gia. Tăng cường hợp tác sáng tạo văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa như ảnh nghệ thuật, trình diễn dân gian, thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các đoàn nghệ thuật dân gian biểu diễn định kỳ tại các địa phương trong tỉnh để lan tỏa bản sắc và tạo sân chơi sáng tạo…
NGUYỄN MINH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-gia-tri-ban-sac-van-hoa-an-giang-a424016.html
Bình luận (0)