Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong kỷ nguyên số

Việt NamViệt Nam06/04/2025


Phát huy tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong kỷ nguyên số

Tục thờ Hùng Vương không chỉ là một tín ngưỡng mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong kỷ nguyên số, việc bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng này không chỉ dựa vào các nghi lễ truyền thống mà còn cần ứng dụng công nghệ để tiếp cận đông đảo cộng đồng hơn, góp phần phát triển du lịch văn hóa - tâm linh tại địa phương.

Tục thờ Hùng Vương là một trong những tín ngưỡng dân gian quan trọng nhất của người Việt, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và niềm tự hào dân tộc. Với ý nghĩa sâu sắc đó, hàng trăm năm nay, người dân Việt Nam luôn coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch) là ngày trọng đại, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Vào dịp Giỗ Tổ, Đền Hùng luôn đón rất nhiều đồng bào khắp nơi về đây bày tỏ niềm thành kính với tổ tiên.

Cội nguồn dân tộc, dấu ấn lịch sử và văn hóa

Không chỉ dừng lại ở một nghi lễ, năm 2012 tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, minh chứng cho giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Tại Bình Định, đây không chỉ nổi tiếng với lịch sử hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn mà còn là vùng đất có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Dù không phải là nơi có di tích Đền Hùng như Phú Thọ, nhưng người dân Bình Định vẫn luôn duy trì phong tục thờ cúng Vua Hùng như một cách thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, cội nguồn dân tộc.

Trong định hướng xây dựng con người mới, văn hóa truyền thống của Bình Định, chúng ta cần xem tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Tục thờ Hùng Vương không chỉ là sự hoài niệm về quá khứ mà còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Hằng năm, hàng triệu người dân từ khắp mọi miền đất nước về dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ), tạo nên một không gian linh thiêng và đoàn kết cộng đồng. Các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương, tế lễ đều mang đậm bản sắc văn hóa Việt, giúp thế hệ trẻ hiểu về cội nguồn dân tộc.

Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) tổ chức Lễ dâng hương tại tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương hằng năm. Ảnh: KIỀU VY

Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Hùng Vương còn thể hiện tinh thần yêu nước, nhắc nhở mỗi người dân về trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa, phát huy truyền thống để xây dựng đất nước giàu mạnh. Cũng như các địa phương khác, tại Bình Định, các hoạt động truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ Hùng Vương được chính quyền địa phương quan tâm. Hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Bình Định tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ dâng hương tại tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương ở Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, thầy cô giáo và học sinh; các hoạt động thực hành tín ngưỡng diễn ra tại nhiều cộng đồng dân cư; rất nhiều khu phố, làng xã tổ chức tế lễ, cúng giỗ quốc tổ coi đây như là một hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm, cầu mong cho một năm bình an, thịnh đạt, phát triển.

Các hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực thông qua các món ăn đặc trưng của Bình Định như bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, bánh hỏi lòng heo - những món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất này được quan tâm tổ chức tại một số địa phương trong dịp Giỗ Tổ. Hoạt động này giúp bà con có được những trải nghiệm sinh động, vừa tăng tình đoàn kết.

Kiến tạo động lực phát triển du lịch

Bước vào kỷ nguyên số, việc bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Hùng Vương cũng có nhiều đổi mới. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, các hoạt động tôn vinh các Vua Hùng ngày càng phong phú và tiếp cận rộng rãi hơn. Trước hết là số hóa tư liệu, các di tích lịch sử, câu chuyện về các Vua Hùng được số hóa dưới dạng tài liệu, phim tài liệu, podcast giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin qua internet. Thứ đến là tổ chức lễ hội trực tuyến, đơn cử như mấy năm trước, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều hình thức dâng hương trực tuyến, tham quan ảo di tích Đền Hùng đã ra đời, giúp người dân vẫn dễ dàng thể hiện lòng thành kính dù ở xa.

Chúng ta cũng cần phát triển, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), việc làm này sẽ giúp tái hiện không gian di tích Đền Hùng, mang đến trải nghiệm chân thực cho người xem, đặc biệt hữu ích với thế hệ trẻ. Và có lẽ cũng cần phát huy vai trò của mạng xã hội và truyền thông số, các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok giúp phổ biến các giá trị văn hóa, đưa tín ngưỡng thờ Hùng Vương đến gần hơn với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Đối với Bình Định hiện nay, công tác ứng dụng công nghệ số để phát huy giá trị tín ngưỡng là mối quan tâm hàng đầu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quốc gia tại địa phương. Chủ động thích ứng với kỷ nguyên số, Bình Định đã có nhiều hoạt động đổi mới trong việc bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Để phát huy tốt hơn nữa, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm tổ chức livestream lễ dâng hương tại các địa điểm có tổ chức lễ tế Quốc tổ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, giúp người dân cả nước có thể theo dõi trực tuyến. Phát triển du lịch số gắn liền với du lịch, nhiều công ty du lịch tại Bình Định đã áp dụng hình thức tham quan di tích trực tuyến, giúp du khách trải nghiệm không gian thờ Hùng Vương mà không cần phải đến tận nơi.

Trong xu hướng phát triển du lịch bền vững, cần xem việc phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Hùng Vương kết hợp với những nét riêng độc đáo của địa phương. Làm được điều này ta sẽ tạo ra động lực mới góp phần phát triển du lịch văn hóa Bình Định. Ngoài việc cần thiết đầu tư xây dựng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương giản dị nhưng trang nghiêm, chính quyền địa phương cần có chủ trương thúc đẩy việc thờ cúng Hùng Vương thông qua việc xác lập các ban thờ, thần vị Hùng Vương trong các công trình đình miếu do địa phương là chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Định cần hướng đến việc kết hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương với phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Một số hướng đi tiềm năng gồm: Xây dựng tour du lịch tâm linh kết hợp tham quan các di tích lịch sử như địa điểm có thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Đàn tế Trời đất Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung… Trong quá trình tổ chức các tuyến điểm cần kết hợp võ thuật truyền thống và tín ngưỡng, tổ chức các sự kiện biểu diễn võ cổ truyền tại các địa điểm thờ cúng Hùng Vương, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Liên kết với các địa phương khác có tín ngưỡng thờ Hùng Vương mạnh như Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa.   

TS VÕ MINH HẢI (Trường ĐH Quy Nhơn) 



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=353885

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam
Tầm cao trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm