Tại điểm cầu Thành ủy Huế

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo và Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Dự tại điểm cầu Thành ủy có UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương.

Chuyển biến mạnh mẽ

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số (NQ) 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia. Ngay sau khi ban hành, NQ đã thực sự tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, lan tỏa sâu rộng đến các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các thể chế, chính sách để triển khai NQ được hoàn thiện. Quốc hội đã thông qua 2 đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đưa vào vận hành hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện NQ 57, giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ một cách trực tuyến, minh bạch, kịp thời. 

Một điểm nổi bật trong 6 tháng qua là sự đồng hành, tham gia hết sức tích cực, chủ động của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC… đã không chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thực hiện dự án mà còn trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là một kế hoạch hành động cụ thể mà còn là một mô hình quản trị mới, hiện đại, dựa trên dữ liệu, rất phù hợp với yêu cầu sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại TP. Huế, thực hiện Kế hoạch 02-KH/BCĐTW, Ban Chỉ đạo về phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS và thực hiện Đề án 06 TP. Huế đã ban hành Kế hoạch 98/KH-BCĐ. Đến nay, các nhiệm vụ thuộc giai đoạn cấp bách (hoàn thành trước ngày 30/6/2025) đã hoàn thành; các nhiệm vụ khác đang tiếp tục được UBND thành phố chỉ đạo triển khai; đã công bố, công khai 2.307 TTHC của thành phố; trong đó 1.856 của cấp sở ngành và 436 của cấp xã, phường. 

Qua cập nhật, theo dõi trong sáng ngày 1/7/2025, 40 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã đã tiếp nhận 526 hồ sơ, đã giải quyết 126 hồ sơ; đơn vị tiếp nhận nhiều nhất UBND xã Quảng Điền 83 hồ sơ; các đơn vị giải quyết đạt tỉ lệ cao nhất: UBND xã Hương An 11/12 hồ sơ, UBND xã Phong Thái 11/12 hồ sơ.

Dù đạt được nhiều kết quả, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai NQ số 57-NQ/TW trong 6 tháng đầu năm vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, như thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa được hoàn thiện đồng bộ. Tiềm lực hệ sinh thái KH, CN, ĐMST & CĐS còn yếu so với thế giới; hệ sinh thái doanh nghiệp KH, CN còn yếu và manh mún; hạ tầng số của nhiều địa phương vẫn còn yếu, thiếu đồng bộ… đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động

Tại hội nghị, nhiều đại biểu, địa phương đã tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đưa ra những giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy KH, CN, ĐMST & CĐS trong thời gian đến.

TP. Huế đề xuất, đối với triển khai dịch vụ hành chính công không phụ thuộc địa giới hành chính giữa các địa phương trên toàn quốc, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hướng dẫn các tiêu chuẩn về hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để các địa phương chủ động tiếp nhận, gửi nhận và trả kết quả hồ sơ đối với hình thức này.

 Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Thuận Hóa trong ngày đầu bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua thực tiễn theo dõi quá trình thực hiện NQ 57, trách nhiệm người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Cơ quan, địa phương nào vào cuộc quyết liệt thì công việc ở đó thực hiện hiệu quả. Thời gian đến, cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn để lựa chọn, ưu tiên các công việc quan trọng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần huy động các nguồn lực hợp pháp từ bên ngoài khác. Trước mắt, ưu tiên để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông. Đầu tư điện và sóng điện thoại phủ sóng ở các địa bàn chưa có. Đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu trên cơ sở kết quả bước đầu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025, các cơ quan, đơn vị cần phát huy tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động, tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra. Người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm “Kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội”, tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Tổng Bí thư Tô Lâm giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình truyền thông sâu rộng về các nội dung đột phá của Luật KHCN&ĐMST; vai trò của nền tảng dữ liệu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; đổi mới trong dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số… Các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, chuẩn bị các văn bản dưới luật để hướng dẫn các luật ban hành sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, hoàn thành cùng thời điểm luật có hiệu lực thi hành.

“Các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học chủ động tìm kiếm cơ hội, đề xuất các sáng kiến, dự án phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển, tham gia vào các hệ thống chiến lược và sáng kiến đột phá; tuân thủ các quy trình, hướng dẫn khi tham gia kế hoạch hành động chiến lược. Kịp thời phát hiện và đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các sáng kiến đột phá và hệ thống chiến lược được triển khai đúng tiến độ, đạt hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS đã tổ chức ra mắt hệ thống 3 nền tảng số phục vụ giám sát triển khai NQ 57-NQ/TW, gồm: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống giám sát, đánh giá NQ số 57-NQ/TW và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến phát triển KH, CN, ĐMST & CĐS quốc gia.
ĐỨC QUANG

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/phat-huy-tinh-than-doi-moi-hanh-dong-trong-thuc-hien-nghi-quyet-so-57-nq-tw-155266.html