Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển nuôi biển bền vững

Không chỉ là vùng trọng điểm nông nghiệp, An Giang còn là tỉnh giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển. Trong đó, nuôi biển đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai.

Báo An GiangBáo An Giang10/07/2025

Nuôi cá lồng bè tại xã đảo Sơn Hải

Khai thác lợi thế, mở rộng không gian nuôi biển

Với bờ biển dài trên 200km, ngư trường rộng lớn khoảng 63.290km2, cùng hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ và nguồn lợi thủy sản phong phú, An Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ngành nuôi biển. Thời gian qua, hoạt động nuôi biển trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về quy mô và sản lượng, với nhiều đối tượng nuôi đa dạng, phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng. Các vùng biển thuộc đặc khu Kiên Hải, Phú Quốc và các xã đảo Tiên Hải, Hòn Nghệ, Sơn Hải có điều kiện thuận lợi để nuôi cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm... theo mô hình lồng bè truyền thống bằng gỗ hoặc lồng nhựa HDPE. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 4.291 lồng bè nuôi cá biển, sản lượng thu hoạch đạt 4.241 tấn/năm.

Tại các xã ven biển An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và Hà Tiên, nghề nuôi nhuyễn thể, như: Sò huyết, vẹm xanh, hến biển, nghêu... phát triển mạnh, với diện tích nuôi 23.345ha, sản lượng thu hoạch hơn 96.600 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển nuôi một số đối tượng khác, như: Ngọc trai, hàu, ốc hương...

Theo nhiều nông dân, nuôi biển đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, giúp bà con cải thiện thu nhập và vươn lên khá giả. Bà Huỳnh Tuyết Hạnh, hộ nuôi cá lồng bè ở đặc khu Phú Quốc chia sẻ: “So với nghề đánh bắt thủy sản, mô hình nuôi cá bớp, cá mú trân châu trong lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Với 15 lồng nuôi, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/năm”.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng phục vụ nuôi biển hiện vừa yếu, vừa thiếu. Việc triển khai các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; khả năng ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước quanh khu vực nuôi vẫn còn.

Bà Trần Thị Hội, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa (đặc khu Kiên Hải) cho biết, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Phần lớn bè cá của nông dân làm bằng gỗ, dễ hư hỏng. “Tôi muốn chuyển sang lồng nhựa HDPE nhưng chi phí khá cao. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay lãi suất thấp hoặc trả góp để bà con có thể đầu tư lồng nuôi hiện đại, chịu được sóng, bền lâu, có thể nuôi ngoài khơi, giúp cá lớn nhanh, ít bệnh và hiệu quả kinh tế cao hơn” - bà Hội bày tỏ.

Thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ nuôi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Hữu Toàn cho biết, để khai thác tiềm năng nuôi biển, những năm qua, tỉnh thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào ngành nuôi biển. Giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 doanh nghiệp, với tổng diện tích 2.908,7ha, tổng vốn 1.110 tỷ đồng. Ngoài danh mục dự án đã phê duyệt, tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào những khâu còn yếu như sản xuất con giống, thức ăn công nghiệp, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nuôi biển.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ hiện đại và công nghệ số trong nuôi biển; tích hợp không gian nuôi trồng thủy sản biển vào quy hoạch tỉnh. Tỉnh thực hiện tốt công tác cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi biển theo pháp luật.

Nhằm giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực nuôi biển, năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 20 điểm nuôi cá biển bằng lồng HDPE, với tổng quy mô 3.712m2. Đồng thời, phối hợp địa phương tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng, trị bệnh cho cá, ứng phó dịch bệnh và tuyên truyền đề án phát triển nuôi biển theo Luật Thủy sản. Ngoài ra, trung tâm vận động người dân nuôi cá lồng bè chuyển sang liên kết chuỗi, sử dụng thức ăn công nghiệp thay cá tạp, giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

THÙY TRANG

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-nuoi-bien-ben-vung-a424080.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm