
Trước đó, sản phụ N.L.T (30 tuổi) mang thai ở tuần thứ 37, nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng thượng vị. Các kết quả lâm sàng và xét nghiệm ban đầu chưa xác định rõ nguyên nhân.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định chụp cộng hưởng từ (MRI) – phương pháp an toàn trong thai kỳ – và phát hiện ruột thừa viêm cấp, có dấu hiệu mưng mủ, phù nề và thâm nhiễm mô xung quanh.
Các bác sĩ quyết định thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) và phát hiện ruột thừa viêm cấp, lòng chứa dịch, phù nề, thâm nhiễm xung quanh.
BS.CKII Nguyễn Đức Dũng – Khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết: “Ở phụ nữ mang thai, đặc biệt 3 tháng cuối, vị trí ruột thừa có thể thay đổi do bào thai phát triển lớn, tử cung chèn ép, đẩy các tạng trong ổ bụng, bao gồm cả ruột thừa lên vùng bụng phía trên, bình thường ruột thừa nằm ở vùng bên phải bụng dưới. Việc chẩn đoán lúc này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường. Kinh nghiệm lâm sàng và sử dụng công cụ chẩn đoán phù hợp đóng vai trò then chốt trong xác định chính xác các bệnh lý của người bệnh”.
Tại thời điểm cấp cứu, trong quá trình theo dõi tình trạng ruột thừa viêm, biểu đồ tim thai đồng thời ghi nhận dấu hiệu chuyển dạ sớm: cơn gò tử cung 2 cơn/10 phút cường độ mạnh, cổ tử cung mở 1cm.
Trước nguy cơ ruột thừa viêm vỡ mủ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hội chẩn liên chuyên khoa (gồm Sản khoa, Ngoại tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh) đã quyết định mổ lấy thai kết hợp tiến hành cắt ruột thừa.
Ca phẫu thuật do hai ê-kíp tiến hành đồng thời. Sau 45 phút, thai nhi chào đời khỏe mạnh, nặng 2,7kg; phần ruột thừa viêm mủ, có nhiều giả mạc đã được cắt bỏ kịp thời, không ghi nhận biến chứng nhiễm trùng sau mổ. Cả hai mẹ con đều ổn định và có thể xuất viện sau 3 ngày.
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Hồ Thuyên, Khoa Phụ sản, viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai là bệnh lý ngoại khoa ít gặp, tỷ lệ khoảng 1/2.000 trường hợp, chủ yếu xảy ra vào tam cá nguyệt thứ hai và ba. Do thay đổi giải phẫu trong thai kỳ, dấu hiệu viêm ruột thừa thường mờ nhạt và nhiều khả năng bị che mờ bởi các dấu hiệu thường gặp thời kỳ hậu sản, người bệnh dễ chủ quan, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa…
Các bác sĩ khuyến cáo, thai phụ không nên tự theo dõi tại nhà nếu đau bụng, đặc biệt là đau khu trú, âm ỉ vùng bụng phải hoặc vùng thượng vị, không giảm sau nghỉ ngơi. Việc thăm khám sớm và đầy đủ giúp phát hiện kịp thời các nguyên nhân nguy hiểm tiềm ẩn.
Nguồn: https://baodanang.vn/phau-thuat-kep-hiem-gap-mo-lay-thai-37-tuan-ket-hop-cat-ruot-thua-viem-3265109.html
Bình luận (0)