Trong dân gian lưu truyền những vần thơ lục bát truyền thống thể hiện một cách dung dị niềm thành kính tri ân đối với Quốc tổ của người Việt: “Nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương/ Về thăm dâng kính nén hương cội nguồn”. Ca dao cũng nhắc nhở mỗi người con đất Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Ngày Giỗ Tổ còn là quốc lễ trọng đại, là ngày hội lớn gắn kết toàn bộ dân tộc suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước: “Tháng Ba nô nức hội đền/ Nhớ ngày Giỗ Tổ bốn nghìn năm nay”, “Ai về Phú Thọ cùng ta/ Vui ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”...
Tạp chí Nghiên cứu Văn học số chuyên đề về ngày Giỗ Tổ. |
Kế thừa ca dao, các tác giả văn học cũng có nhiều tác phẩm xúc động về các Vua Hùng và ngày Giỗ Tổ. Ở thời trung đại, trong "Đại Nam quốc sử diễn ca" viết bằng chữ Nôm dưới thời vua Tự Đức, việc đóng đô dựng nước của Hùng Vương được ghi lại như sau: “Hùng Vương đô ở Châu Phong/ Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang/ Đặt tên là nước Văn Lang/ Chia mười lăm lộ bản chương cũng liền”.
Trong văn học bằng chữ Quốc ngữ, từ rất sớm, ở đầu thế kỷ XX, đã có những tác phẩm hay về Quốc tổ. Năm 1923, cử nhân Vũ Khắc Tiệp có bài "Lên Đền Hùng" thể hiện niềm tự hào về cội nguồn và lịch sử bốn nghìn năm văn hiến của con cháu Lạc Hồng: “Rằng đây là miếu Hùng Vương/ Ấy là thủy tổ Nam phương nước nhà/ Kể từ xây dựng sơn hà/ Đô là Bạch Hạc, nước là Văn Lang/ Nối truyền một mối Hồng Bàng/ Sử xanh ghi chép rõ ràng còn đây/ Bốn ngàn năm lẻ tới nay/ Con con cháu cháu mỗi ngày thêm đông/ Đều là khí huyết Lạc Long/ Khắp Trung Nam Bắc cùng chung máu đào”.
Năm 1941, nhân ngày Giỗ Tổ, sinh viên Hà Nội tổ chức đi viếng Đền Hùng để nhắc nhở đồng bào về nguồn cội và khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân. Trong dịp này, một sinh viên người miền Nam đã khởi soạn ca khúc "Đi hội Đền Hùng" gồm 3 đoạn. Trong đó, mỗi đoạn đều có ca từ được tổ chức như một bài thơ đầy cảm xúc về lòng yêu nước thông qua việc tưởng nhớ ngày Giỗ Tổ: “Chúng ta cùng nhau đi viếng thăm/ Nơi cố hương của giống Tiên Rồng/ Chúng ta cùng nhau đi viếng thăm/ Những vết xưa của núi sông/ In dấu xưa biết bao anh hùng/ Cùng với nhau Nam, Bắc, Trung/ Chúng ta về thăm mộ Tổ ta/ Cho vẻ vang với nước non nhà”. Người sinh viên ấy chính là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nổi danh sau này.
Năm 1954, nhà thơ Xuân Tiên có bài "Ngày Giỗ Tổ" nói lên trách nhiệm và khát vọng của mỗi người con đất Việt noi gương các vua Hùng dựng nước, ra sức dựng xây nước nhà ngày một tiến lên: “Đứng trước ngọn lửa thiêng rừng rực/ Đỉnh trầm hương sực nức khói hương/ Chúng ta con cháu Hùng Vương/ Cao tay thề quyết noi gương Tổ truyền/ Nguyện gìn giữ cho bền danh dự/ Cố ganh đua rộng mở tinh thần/ Nước non ngày một canh tân/ Tiên Rồng nòi giống góp phần văn minh”.
Trong thơ hiện đại, có không ít tác giả dành tình cảm thiêng liêng khi viết về ngày Giỗ Tổ. Tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, tự hào về nguồn gốc giống nòi, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức trách nhiệm tiếp bước tiền nhân ra sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp là những đặc điểm, đồng thời cũng là giá trị nổi bật của thơ viết về ngày Giỗ Tổ. Tiêu biểu như nhà thơ Đoàn Thị Xuân Quỳ với tác phẩm "Nhớ ngày Giỗ Tổ": “Một vùng công đức mẹ cha/ Khơi sông mở cõi giao hòa bốn phương/... / Vua Hùng dựng nước Văn Lang/ Núi sông voi ngựa hàng hàng uy nghi/... / Cháu con nghìn thuở không quên/ Ngày Giỗ Tổ bao hồn thiêng hội về”.
Nhân ngày Giỗ Tổ, đọc lại những vần thơ đầy cảm xúc, càng tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng, chúng ta càng ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn năm xưa về trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bài, ảnh: PHẠM KHÁNH NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/van-hoc/202504/tac-gia-tac-pham-lang-dong-nhung-van-tho-ve-ngay-gio-to-c5c17cf/
Bình luận (0)