Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (giữa) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Định Quán tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Dầu Giây và đón nhận Bằng công nhận huyện Thống Nhất đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025. Ảnh: BÌNH NGUYÊN |
Theo Chi cục Thống kê Đồng Nai, trong năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Đồng Nai đạt 298.556 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 23,95 tỷ USD, tăng gần 11%... Kết quả trên một phần do tỉnh rất chú trọng công tác xúc tiến thương mại.
Tập trung cho chuyển đổi số
Ứng dụng công nghệ hiện đại, CĐS đổi mới sáng tạo được xem là một trong những giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, cũng như cả nước. Vì thế, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải có đề án, kế hoạch trong CĐS với từng lĩnh vực.
Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2022-2030; căn cứ Công văn số 8425/BCT-XTTM ngày 28-12-2021 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025 vào cuối tháng 3-2022.
Trong quý I-2025, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ tổ chức gian hàng chung cho 15 doanh nghiệp Đồng Nai tham gia Chợ Tết Công đoàn. Tổ chức gian hàng chung cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ: Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025, Chuyên ngành cà phê và các sản phẩm OCOP...
Kế hoạch trên của tỉnh nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, thúc đẩy phát triển giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế thương mại của tỉnh.
Các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả. Mục tiêu là để các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường, năm 2025, ngành công thương đã triển khai các nhiệm vụ đột phá để phát triển thương mại, dịch vụ hiện đại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại các nước, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử, thực hiện kết nối sàn thương mại điện tử của tỉnh (ecdn.vn) trở thành sàn nhánh trên sàn (hangviet.vn)
do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số quản lý. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả.
Trong các cuộc họp về phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, CĐS là xu thế tất yếu và là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Mục đích để hình thành nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Vì thế, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đã xây dựng kế hoạch CĐS cho từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại rất quan trọng; bởi vì, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, tìm thêm được khách hàng để tiêu thụ sản phẩm.
Góp phần cho tăng trưởng kinh tế
Từ năm 2020 đến nay, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn như: đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, căng thẳng thương mại giữa nhiều nước trên thế giới, xung đột ở một số nước… Các vấn đề trên ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của toàn cầu, nhiều quốc gia đã tăng trưởng âm hoặc rất thấp. Thế nhưng, Việt Nam lại vươn lên và trở thành một điển hình của thế giới về ổn định, phát triển và tăng trưởng kinh tế cao.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng (bìa trái) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (giữa) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Định Quán tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Dầu Giây và đón nhận Bằng công nhận huyện Thống Nhất đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025. Ảnh: BÌNH NGUYÊN |
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai luôn giữ được mức cao hơn bình quân chung của cả nước. Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, CĐS, chuyển đổi xanh. Việc này giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) Đặng Tường Khanh cho hay, công ty rất chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Công ty tham gia vào CĐS để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Qua đó, các sản phẩm từ ca cao của doanh nghiệp được người tiêu dùng, khách hàng trong nước, nước ngoài biết nhiều hơn và tham gia đặt hàng với số lượng lớn nên đầu ra của doanh nghiệp rất thuận lợi. Hiện công ty trên đà mở rộng vùng nguyên liệu và sản xuất để đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết trong 3 năm qua, trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hội, hiệp hội triển khai các hội nghị tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các cán bộ, công chức, viên chức.
Hàng năm, Đồng Nai rất quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa và nhiều quốc gia khác. Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, năm 2024, trung tâm đã hỗ trợ 263 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 11 chương trình hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương, lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Đồng Nai tại các tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, đặc biệt là thị trường Halal - thị trường xuất khẩu mới giàu tiềm năng. Sau hội nghị các nhà phân phối, sản xuất đã cùng nhau trao đổi, kết nối, chia sẻ về giải pháp, kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, trong năm 2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh còn tổ chức 4 đợt kết nối giao thương giữa 70 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã và 100 tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn các huyện, thành phố với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Giầu Dây (huyện Thống Nhất). Mục đích nhằm tạo sự kết nối hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, trung tâm tổ chức cho 19 doanh nghiệp có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại các gian hàng trong Ngày hội Tết sum vầy do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức…
Thanh Phương
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/tang-toc-chuyen-doi-so-trong-xuc-tien-thuong-mai-3705711/
Bình luận (0)