Điểm sáng tín dụng góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế
Đánh giá về những chỉ số tăng trưởng tích cực trong quý I/2025, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% đã được NHNN thông báo từ đầu năm, đã giúp các ngân hàng chủ động trong hoạt động cho vay, nên con số tăng trưởng cao cũng là điều dễ hiểu. Động lực tăng trưởng tín dụng trong quý I chủ yếu đến từ các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm như nông nghiệp, xuất nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử, theo số liệu mới nhất từ NHNN Khu vực 1, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 863.207 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng dư nợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Hà Nội cũng đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đạt 400.132 tỷ đồng, tương đương 8,9% tổng dư nợ. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tham gia tích cực các dự án đầu tư công quy mô lớn, qua đó góp phần thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Một trong những yếu tố được nhận định là động lực quan trọng giúp tín dụng tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ đó là lãi suất cho vay ở mức thấp, dòng vốn rẻ thẩm thấu nhanh hơn vào nền kinh tế. Tính đến thời điểm này, lãi suất cho vay giảm thêm 0,4% so với cuối năm 2024. Hiện lãi suất cho vay bình quân các NHTM trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Động lực tăng trưởng từ nội tại nền kinh tế
Việc mặt bằng lãi suất được giữ ở mức thấp trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả và trở thành một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên, công cụ này rất khó để tiếp tục duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa một loạt các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Động thái này từ phía Mỹ đặt ra áp lực lớn trong việc điều hành tỷ giá của NHNN, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, thách thức lớn sẽ là biến động trên thị trường tài chính khi đồng USD tăng. Do đó, Việt Nam khó cắt giảm lãi suất vì áp lực USD vẫn ở mức cao, lạm phát cũng chưa đủ thấp. Vị chuyên gia này tin rằng giải pháp của NHNN lúc này là linh hoạt điều hành lãi suất, cân đối với tỷ giá để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, TS. Châu Đình Linh thẳng thắn nhìn nhận, câu chuyện bây giờ không phải là giảm lãi suất mà là thích ứng linh hoạt đối với bối cảnh mới. NHNN có thể sử dụng nhiều công cụ khác từ thị trường mở để điều tiết thanh khoản và giải quyết các vấn đề khác nhau của hệ thống ngân hàng. Đối với vấn đề tỷ giá, mặc dù có những rào cản cũng như thách thức về điều hành nhưng có một lợi thế là dự trữ ngoại hối của chúng ta đang ở mức cao. “Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ từ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, kiều hối… phần nào sẽ bổ sung nguồn lực tài chính, tạo sự cân bằng nhất định trước các áp lực từ biến động tỷ giá toàn cầu”, ông Linh phân tích.
Bàn về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, động lực sẽ đến từ nhu cầu nội địa, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 16% trong năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được. Theo ông Hưng, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Nhưng hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh nhận định, một số động lực truyền thống như thị trường bất động sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, nhiều khó khăn trong lĩnh vực này đang dần được tháo gỡ khi Chính phủ tích cực điều chỉnh các quy định pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động và triển khai dự án. Nhiều dự án bất động sản đang được tái khởi động trở lại. Bên cạnh đó, để kích thích nhu cầu tín dụng cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp công nghệ cao - nhóm có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới, ông Linh gợi ý thêm.
Tuy nhiên, hiện tại huy động vốn đang tăng chậm hơn cho vay của hệ thống ngân hàng đã tạo ra áp lực lớn đối với các ngân hàng trong việc duy trì thanh khoản và đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Theo lãnh đạo NHNN, hiện ngành Ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Tức huy động được 9 đồng nhưng ngành Ngân hàng cho vay đến 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN. Mặc dù vậy, NHNN cho biết sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng.
Song về lâu dài, TS. Châu Đình Linh kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra phương án để giúp thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán phát triển. Từ đó, giúp giảm gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng, tạo ra những giải pháp tổng hòa, hỗ trợ lẫn nhau để đạt được các mục tiêu tăng trưởng về tín dụng nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-tin-dung-truoc-nhung-thach-thuc-lon-162830.html
Bình luận (0)