Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân

Sáng 25.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân25/04/2025

dbnd_bl_ubtv8.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 3 cấp là Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo chủ trương của Đảng.

Căn cứ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, với phạm vi, quan điểm xây dựng dự án Luật nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 Điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với các nội dung như: Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, Điều 7; điểm a, c khoản 2, Điều 22; khoản 3 Điều 23, khoản 1, Điều 24; Điều 40; Điều 41; khoản 3, Điều 47; Điều 48; Điều 49; khoản 2 Điều 66; Điều 67; Điều 68…

Dự thảo Luật cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp theo hướng kể từ ngày 1.7.2025, việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp giữa Viện kiểm sát các cấp thực hiện theo quy định của các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc chuyển giao, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và tài sản công.

dbnd_bl_ubtv11.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Về bổ sung số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (khoản 11 Điều 1), dự thảo Luật quy định không quá 27 người, trong khi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành quy định không quá 19 người).

Ủy ban đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng việc đề xuất tăng số lượng từ 19 lên 27 kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhằm đáp ứng việc tăng án ở cấp trung ương do kết thúc hoạt động của tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân cấp cao là chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp trung ương.

Do đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Vì vậy, trước đây khi sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vào năm 2014 cũng phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Mặc dù, Đề án của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình Ban Chấp hành Trung ương có đề xuất nội dung nêu trên nhưng Nghị quyết số 60-NQ/TW của Trung ương chưa kết luận cụ thể vấn đề này. Vì vậy, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hiện thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng Quy định của Bộ Chính trị.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Lâm Hiển

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Lâm Hiển

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, trong bối cảnh thực hiện đồng thời sửa đổi nhiều luật về lĩnh vực tư pháp, thì cần tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với việc bổ sung số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao do số lượng công việc dồn từ Viện kiểm sát cấp dưới lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng khá lớn, song Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị, cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định vấn đề này.

dbnd_bl_ubtv9.jpg
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cho rằng đây là dự án Luật có tác động rất lớn đến người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới đề nghị, khi triển khai thực hiện cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi dự thảo Luật là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát khu vực.

Tại Kỳ họp thứ Chín tới đây, dự kiến các luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, các bộ luật về tố tụng cũng đồng thời được Quốc hội xem xét sửa đổi, thông qua. Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tính đồng bộ của các luật này cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tap-trung-sua-doi-cac-quy-dinh-lien-quan-den-to-chuc-bo-may-cua-vien-kiem-sat-nhan-dan-post411402.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm