Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo. |
Chủ trì Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn và Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Phạm Dứt Điểm. Cùng tham dự có nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sài Gòn; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh…
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm tổng kết vai trò của công tác đối ngoại đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh từ sau công cuộc đổi mới, đồng thời thảo luận về những thành tựu, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển ngoại giao kinh tế, văn hóa, hợp tác quốc tế trong giai đoạn mới. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và vai trò tiên phong của đối ngoại trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của thành phố.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng và bền bỉ của Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo của sở trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại.
Theo ông Võ Văn Hoan, Sở Ngoại vụ đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa thành phố với các đối tác quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cộng đồng kiều bào, đồng thời bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Bộ Ngoại giao.
“Những nỗ lực âm thầm nhưng đầy hiệu quả của Sở Ngoại vụ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh và vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh trên trường quốc tế", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cũng khẳng định, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, nhằm triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại toàn diện, hiện đại, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phục vụ lợi ích của người dân.
Hội thảo được tổ chức thành ba phiên chuyên đề với nội dung sâu sắc. Phiên thứ nhất tập trung đánh giá chặng đường 50 năm và những đóng góp nổi bật của thành phố đối với công tác đối ngoại của cả nước. Phiên thứ hai xoay quanh chiến lược đối ngoại trong thời kỳ mới (2025-2045), trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu như chuyển đổi số, phát triển bền vững và an ninh phi truyền thống. Phiên thứ ba mang đến không gian thảo luận học thuật cởi mở, nơi các chuyên gia và cựu lãnh đạo đưa ra những ý kiến phản biện sắc bén, nhằm đề xuất các giải pháp thiết thực giúp thành phố triển khai hiệu quả công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Anh Tuấn phát biểu chào mừng qua hình thức trực tuyến. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Đình Bá, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Thành ủy, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng trong suốt 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND thành phố, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan, công tác đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mang tên Bác.
Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng, sự phối hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này sẽ góp phần giúp đất nước vươn lên thành quốc gia phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực vào năm 2045.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng lịch sử đấu tranh và sáng tạo của Việt Nam đã trải qua ba kỷ nguyên: Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến công cuộc đổi mới và phát triển bắt đầu từ năm 1986, và hiện nay là giai đoạn vươn lên mạnh mẽ, khởi nguồn từ Đại hội XIV của Đảng.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng những thách thức và cơ hội phát triển của thời đại. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn đòi hỏi từng địa phương phải nâng cao năng lực quản trị và tận dụng các cơ hội mới.
Góp ý tại hội thảo, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ghi nhận trong giai đoạn hội nhập sâu rộng (từ năm 2000 - 2020), thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại.
Tuy nhiên, ông Phong cũng nêu thực tế còn nhiều hạn chế và bất cập. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế về mặt chiến lược, định hướng và thiếu một chiến lược tổng thể và dài hạn.
“Thành phố Hồ Chí Minh dù được biết đến là thành phố năng động, nhưng thiếu một hình ảnh, thông điệp xuyên suốt để định vị trên trường quốc tế giống như Seoul là Smart City hay Singapore là Green Hub”, ông Phong nói và gợi mở Thành phố Hồ Chí Minh cần một tư duy đột phá, hiện đại và chuyên nghiệp hơn trong triển khai công tác đối ngoại.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Dứt Điểm đánh giá cao những tham luận sâu sắc và các ý kiến đóng góp đa chiều, cho thấy công tác đối ngoại đã luôn là một phần quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh suốt nửa thế kỷ qua, từ giai đoạn đổi mới, mở cửa hội nhập đến thời kỳ chủ động vươn ra toàn cầu, đối ngoại luôn giữ vai trò then chốt.
Hội thảo cũng mở ra nhiều định hướng quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, bao gồm nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế, văn hóa và nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế ở cấp địa phương, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của thành phố trong nền ngoại giao địa phương hiện đại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-50-nam-trien-khai-duong-loi-doi-ngoai-viet-nam-va-dinh-huong-trong-giai-doan-moi-310894.html
Bình luận (0)