Nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng, nhiều hộ dân ở xã Tân Thiềng, Chợ Lách vươn lên trong cuộc sống.
Vượt qua gian khó
Lịch sử tỉnh nhà ghi lại, từ tối 30-4-1975 đến sáng 1-5-1975, toàn tỉnh đã hoàn toàn giải phóng. Cuộc sống độc lập tự do đã trở về với nhân dân. Đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân tỉnh bắt tay vào việc hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Tuy nhiên, tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phải đương đầu với những khó khăn hết sức nghiêm trọng.
Tỉnh bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống mới từ một khởi điểm thấp. Nhiều lĩnh vực ở tỉnh coi như phải làm lại từ đầu. Nông nghiệp đầy rẫy những khó khăn. Mấy chục năm chiến tranh, nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá nghiêm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật của địch để lại quá nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với mọi nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, lãnh đạo tỉnh chủ trương vận động gần 200 ngàn đồng bào trước đây bị ép vào sống trong các khu đồn, các thị trấn, thị xã trở về ruộng vườn cũ làm ăn. Đồng thời, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho bốn vạn lính ngụy, nhân viên ngụy quyền tan rã tại chỗ sau cuộc tấn công thần tốc ngày 30-4-1975 của quân và dân ta.
Vấn đề lớn và cấp thiết nhất đặt ra cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ là giải quyết cái ăn cho một triệu con người. Trong khi đó, tỉnh lại bị mất mùa liên tiếp hai năm 1977, 1978. Với tinh thần và ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, toàn Đảng, toàn dân tỉnh đã phấn đấu vượt qua thử thách, từng bước đưa nền kinh tế tỉnh đi dần vào thế ổn định.
Qua 50 năm phấn đấu gian khổ, kinh tế tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trên cơ sở 3 thế mạnh của tỉnh đã được xác định - nghề nông, nghề vườn, nghề đánh bắt hải sản, nhân dân tỉnh đã mang tinh thần “Đồng khởi” năm xưa vào sự nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển văn hóa, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Trong đó, lĩnh vực giảm nghèo luôn được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm, giúp người dân có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Vượt qua những mất mát và đau thương trong chiến tranh, tỉnh không ngừng nỗ lực chăm lo cho người nghèo, người khó khăn trong từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn gần nhất từ 2021 - 2025, tỉnh đã thực hiện được nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cho các đối tượng. Qua đó, khẳng định sự quan tâm “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông tin từ UBND tỉnh, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn tỉnh 3.002 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án, chính sách giúp giảm nghèo bền vững. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển 321,7 tỷ đồng để thực hiện 116 công trình xây mới, duy tu bảo dưỡng cầu, đường. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với 2.126 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, tổng kinh phí 51,7 tỷ đồng. Cùng một số dự án khác như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Từ một tỉnh thiếu lương thực trước giải phóng, ngày nay, cuộc sống người dân không ngừng cải thiện. Sản xuất đủ sức để xuất khẩu và cạnh tranh. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.750 triệu USD, tăng 20,27% so với năm 2023. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.240 triệu USD, tăng 17,39%; các doanh nghiệp trong nước đạt 510 triệu USD, tăng 27,91%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đều tăng so với chỉ tiêu. Cụ thể, thủy hải sản xuất khẩu đạt 107% kế hoạch năm (kế hoạch 36 ngàn tấn, thực hiện 38,6 ngàn tấn). Các sản phẩm xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính đều tăng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025”, nhằm cổ vũ, động viên và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân về công tác giảm nghèo”.
Toàn tỉnh hiện có 8.298 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,05%; 9.052 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,23%; 7/21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/thi-dua-giam-ngheo-ben-vung-21042025-a145513.html
Bình luận (0)