Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp thêm động lực để doanh nghiệp tiếp tục vượt khó

(CTO) - Niềm tin kinh doanh giảm, các nhà sản xuất còn khá thận trọng do hầu hết doanh nghiệp (DN) đều gặp khó khăn về cả đầu vào và đầu ra. Các DN cần hỗ trợ để ứng phó với những thách thức từ thị trường, nhất là các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng xuất khẩu.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ15/04/2025

Khó khăn bủa vây

Để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong quý I-2025, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tiến hành khảo sát 30.426 DN (gồm 6.330 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; 6.239 DN ngành xây dựng; 17.857 DN ngành thương mại, dịch vụ đại diện cho 63 tỉnh, thành cả nước). Trong đó, có 29.272 DN trả lời khảo sát, chiếm 96,2% số DN được chọn mẫu điều tra. Có 70% DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý I-2025 tốt hơn và giữ ổn định (19,5% tốt hơn và 50,5% giữ ổn định) so với quý IV-2024. Nhưng số DN nhận định khó khăn hơn tăng (30% cho biết khó hơn) trong khi quý IV-2025, tỷ lệ này là 22,7% do nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế giảm.

Kết quả khảo sát về đơn đặt hàng mới của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I-2025 so với quý IV-2024 là -0,6% (có 22,3% DN nhận định đơn đặt hàng mới tăng và 29,3% cho biết giảm). Trong đó, chỉ khu vực DN vốn đầu tư nước ngoài có chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới dương (0,5%), khu vực DN ngoài nhà nước -8,9%, khu vực DN nhà nước -8,5%. Còn hợp đồng xây dựng mới của DN ngành xây dựng quý đầu năm 2025 so với quý cuối năm 2024 là -21,2% (có 17,8% DN nhận định tăng và 39% nhận định giảm).

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN thì “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh hàng hóa trong nước cao” là 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất, với tỷ lệ nhận định lần lượt là 53,9% và 43,4% (tương ứng với quý III và quý IV-2024). Riêng DN ngành xây dựng có tới 50,7% DN cho biết gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới trong quý đầu năm nay, tỷ lệ này tăng 6% so với quý cuối năm 2024.

Các DN cũng cho biết, nhiều yếu tố đầu vảo ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Có thể kể đến như giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải, kho bãi, chi phí dịch vụ đều tăng cao; vốn cho sản xuất kinh doanh gặp khó; thủ tục hành chính còn phức tạp, chồng chéo; lao động chưa đáp ứng yêu cầu của DN…


Ngành may mặc gặp nhiều khó khăn nhất, do cầu thị trường thấp. Ảnh: MỸ THANH

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì nhóm ngành dệt may, da giày gặp khó khăn lớn nhất trong quý I-2025 là đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và lao động có tay nghề. Có tới 60,5% DN dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước thấp; ở ngành sản xuất trang phục, ngành da tỷ lệ này là 28,1% và các sản phẩm liên quan đến nhóm ngành gặp khó tương ứng tỷ lệ 21%. Ngoài ra, có 47,5% DN dệt và 49,1% DN sản xuất trang phục, cùng 54,3% DN sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gặp khó do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Các DN cũng khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống còn gặp khó về vốn, thị trường đầu ra và phải cạnh tranh gay gắt với các DN cùng ngành hàng. Nhóm ngành điện, điện tử phục hồi tích cực trong quý I-2025 nhưng thị trường trong nước và quốc tế thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng, thiếu vốn cũng gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Kết quả khảo sát các DN ngành thương mại, dịch vụ cho thấy, 2 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” (55,7% DN lựa chọn) và “Tính cạnh tranh của thị trường trong nước cao” (46,7% DN chọn). Các DN cũng gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí kho bãi tăng cao, lãi suất vay vốn cao, khó khăn về tài chính, điều kiện kinh doanh…  Vì vậy, các DN rất cần sự trợ lực từ các cấp có thẩm quyền liên quan để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Những kỳ vọng của DN

Theo khảo sát của S&P Global về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3-2025 đạt mốc 50,5 điểm, sau 4 tháng dưới vùng 50. Điều này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất Việt Nam đã mạnh lên một chút sau chuỗi suy yếu. Kết quả trả lời khảo sát cũng ghi nhận sự gia tăng sản lượng này phản ánh sự cải thiện về mức độ sẵn có của hàng hóa, đồng thời cũng phản ánh sự gia tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới sau chuỗi 2 tháng giảm.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, bình luận: Ngành sản xuất Việt Nam bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn vào tháng 3 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu vào năm 2025 đến nay. Hy vọng các công ty sẽ có thể tiếp tục thành công hơn trong những tháng tới dựa trên những cải thiện này. Tuy nhiên, hiện các nhà sản xuất vẫn còn khá thận trọng, từ đó ngần ngại tuyển dụng thêm nhân viên hay mua thêm hàng hóa đầu vào. Điều này có thể phản ánh một môi trường quốc tế bất ổn, với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh trong tháng 3.

Mặc dù các công ty kém tự tin hơn một chút vào triển vọng sản lượng trong năm tới, nhưng tâm lý kinh doanh vẫn lạc quan khi số lượng đơn đặt hàng mới và với những hy vọng tình hình nhu cầu sẽ ổn định, dù mức độ lạc quan vẫn ở dưới trung bình của lịch sử chỉ số PMI.

Trong bối cảnh cầu thị trường trong nước và quốc tế đều thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Cục Thống kê đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp để hỗ trợ DN, trong đó tập trung đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế số; đồng thời triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất sang các thị trường lớn, tiềm năng. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm liên vùng, cao tốc… Chủ động xây dựng các dự án mời gọi FDI có chọn lọc, đảm bảo chất lượng, kết nối chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo; thúc đẩu chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm phát triển các mô hình kinh tế bền vững, kinh doanh bao trùm.

Theo Cục Thống kê, quý I-2025, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,71%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng 7,99%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm. Các ngành thương mại, dịch vụ cũng đóng góp đáng kể vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay, cụ thể như: Ngành vận tải kho bãi đóng góp 0,67 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ đóng góp 0,83 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đóng góp 0,41 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung. Vì vậy, các DN rất cần sự trợ lực từ chính sách kinh tế vĩ mô để góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Nguồn: https://baocantho.com.vn/tiep-them-dong-luc-de-doanh-nghiep-tiep-tuc-vuot-kho-a185453.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm