Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: NSND Kim Cương từ cải lương sang kịch nói

NSND Kim Cương có một gia tộc cải lương bề thế truyền được tới 4 đời, sinh ra những nghệ sĩ nổi tiếng lừng lẫy. Bản thân Kim Cương cũng từng hát cải lương nhưng sau này bà chuyển sang kịch nói, rạng danh một cách bất ngờ.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên26/07/2025

CÔ ĐÀO BA NGOẠN LỌT MẮT XANH VUA THÀNH THÁI

Thế hệ đầu tiên là bà cố của NSND Kim Cương mà Kim Cương không còn nhớ tên, chỉ gọi là bà bầu Phước Thắng, bởi bà mê hát bội đến mức dù không biết hát nhưng vẫn lập gánh hát bội Phước Thắng vào khoảng năm 1890, nổi tiếng ở vùng Chợ Lớn Sài Gòn.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: NSND Kim Cương từ cải lương sang kịch nói- Ảnh 1.

NSND Kim Cương lúc trẻ trong vở cải lương Mộng Hoa Vương

ẢNH: H.K

Gánh Phước Thắng truyền lại cho bà Ba Ngoạn, đổi tên là Phước Xương, vào khoảng đầu thập niên 1910. Cô đào Ba Ngoạn (bà nội của Kim Cương) vừa tuyệt đẹp, lại ca diễn rất hay, và đặc biệt rất tân thời, phóng khoáng. Thời ấy, người Pháp mới cấp 100 bằng lái xe ô tô cho người Việt, thì trong đó có bà Ba Ngoạn. Bà được xem là người phụ nữ VN đầu tiên biết lái xe. Bà còn xây rạp Palikao ở Chợ Lớn, rạp hát đầu tiên của Sài Gòn có lầu, trong khi các rạp khác chỉ có tầng trệt. Bà hấp thu văn minh, khoa học và cuộc sống lịch lãm phương Tây rất sớm.

Trong một lần vua Thành Thái du ngoạn phương Nam, vua vốn cũng có tâm hồn nghệ sĩ, nên đã cùng cô đào Ba Ngoạn tâm đầu ý hợp. Cuộc tình ngắn ngủi ấy đã sinh ra Nguyễn Ngọc Cương (cha của Kim Cương). Thời cuộc loạn ly, cả gia đình không tiết lộ bí mật này, cho đến sau 1975 thì gia tộc của vua ở Huế tìm vào gặp Kim Cương. Hiện trên bàn thờ gia đình Kim Cương vẫn đặt hình vua Thành Thái.

NGUYỄN NGỌC CƯƠNG ĐƯA CẢI LƯƠNG LÊN TẦM CAO MỚI

Bà Ba Ngoạn cho Nguyễn Ngọc Cương sang Pháp du học ngành y, nhưng ông lại mang dòng máu nghệ thuật, nên chuyển sang học sân khấu của Pháp, khi về nước đã áp dụng kiến thức đó để đưa cải lương lên tầm chuyên nghiệp đáng ghi vào lịch sử.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: NSND Kim Cương từ cải lương sang kịch nói- Ảnh 2.

NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở Lá sầu riêng

ẢNH: H.K

Ông Nguyễn Ngọc Cương thừa kế gánh hát bội của mẹ, nhưng đổi tên thành Phước Cương và chuyển sang diễn cải lương vào năm 1926. Ông kết hợp với người bạn cùng du học tại Pháp là Lê Công Phước (thường gọi là Bạch công tử, dân Mỹ Tho, cùng nức tiếng với Hắc công tử Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu) cải tiến gánh Phước Cương mang dấu ấn sân khấu một cách chuyên nghiệp hơn. Ông Nguyễn Ngọc Cương còn có biệt danh là "công tử hột xoàn" bởi ông luôn gắn hột xoàn trên áo. Sau này Lê Công Phước cưới nghệ sĩ Phùng Há, tách ra lập gánh Huỳnh Kỳ, còn ông Nguyễn Ngọc Cương ở lại một mình lèo lái gánh Phước Cương.

Để có kịch bản biểu diễn, ông Nguyễn Ngọc Cương đem những cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo nhờ nghệ sĩ Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu, cũng là người ảnh hưởng Tây học) dịch ra tiếng Việt, hoặc ông cùng dịch với Năm Châu. Có thể nói đây là những kịch bản đầu tiên của cải lương mang tính chuyên nghiệp, lại gần gũi với khán giả trí thức thành thị, là đối tượng khó tính, thường đòi hỏi vở diễn vừa phải hấp dẫn mà văn chương cũng phải sang trọng, sâu sắc. Khi tập tuồng, dàn dựng, Nguyễn Ngọc Cương cũng áp dụng kiến thức sân khấu học từ Pháp, nhờ vậy ông đào tạo được hàng loạt nghệ sĩ trẻ như Ái Liên, Bạch Mai, Năm Nghĩa (cha của NSƯT Thanh Nga), Năm Phồi, Ba Giáo... Công lao của Nguyễn Ngọc Cương thật lớn, từ quản lý đoàn hát cho tới soạn kịch bản, đạo diễn, đào tạo… Gánh Phước Cương lúc bấy giờ tập trung những nghệ sĩ lừng lẫy như Năm Phỉ, Ba Vân, Phùng Há, Tám Danh, Ba Du, Hai Nữ…đi lưu diễn khắp Nam - Trung - Bắc.

Một sự kiện chấn động là gánh Phước Cương dự Đấu xảo thuộc địa Paris tại Pháp năm 1931 (tương tự liên hoan sân khấu bây giờ), cô đào Năm Phỉ đóng vai chính trong vở Xử án Bàng Quý Phi đã đoạt 4 huy chương, được khán giả và hơn 40 tờ báo tại Pháp ca ngợi tưng bừng. Khi về nước, vở này diễn lại liên tục tại nhiều rạp, doanh thu khủng khiếp. Tóm lại, chỉ trong vòng 20 năm từ 1925 - 1945, ông Nguyễn Ngọc Cương đã phát triển cải lương lên một vị thế đáng nể.

NHỮNG CÔ ĐÀO THẾ HỆ MỚI LỪNG DANH

Ông Ngọc Cương cưới lần lượt 3 bà vợ, trong đó Năm Phỉ và Bảy Nam là chị em ruột.

Cô đào Năm Phỉ lừng lẫy đã đành, đến NSND Bảy Nam cũng giỏi giang không kém, 19 tuổi lập gánh riêng tên Nam Hưng, vừa ca diễn, viết kịch bản, quản lý đoàn, mấy chục năm chèo chống lo cho anh em nghệ sĩ cả trong thời chiến tranh ly loạn.

NSND Kim Cương trưởng thành trong cái nôi nghệ thuật đó, cũng hát cải lương rất giỏi. Nhưng năm 20 tuổi, bà tự mình lập đoàn kịch, cũng vừa diễn, vừa viết kịch bản, vừa quản lý, làm nên một thời hoàng kim cho kịch nói. Những vai để đời như cô Diệu (Lá sầu riêng), bà Tư bán chè (Bông hồng cài áo), Bích và Bê (Dưới hai màu áo), Tania (vở Tania)… mãi không phai trong lòng khán giả. Bà còn đóng mấy chục phim nhựa, thật sự là rất đa năng. Tiếc rằng sau bà không còn hậu nhân nào nối nghiệp sân khấu.

Nguồn: https://thanhnien.vn/truyen-nhan-cua-dai-gia-toc-san-khau-nsnd-kim-cuong-tu-cai-luong-sang-kich-noi-185250726193158239.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm