Siết quản lý để chống gian lận xuất xứ

Chính sách thuế mới của Mỹ đang ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bà Đào Thu Hương, Phó trưởng ban Nghiệp vụ thuế hải quan - Cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết, ngoài những biện pháp tham mưu về thuế cho Bộ Tài chính và Chính phủ, Cục Hải quan cũng tăng cường nhiều biện pháp để giảm thiểu lo ngại của chính phủ Mỹ trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ.

Điển hình như các giải pháp về chống gian lận thương mại và bảo vệ xuất xứ hàng Việt Nam. 

Thực hiện Quyết định 713 ngày 3/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Hải quan Việt Nam tiếp tục tăng cường kiểm tra và theo dõi sát hàng xuất khẩu đi Mỹ, và đánh giá nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu đi Mỹ. 

Gian lan xuat xu.jpg
Cơ quan hải quan sẽ kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh trường hợp hàng nước ngoài nhưng đội lốt sản phẩm Việt Nam để xuất đi thị trường Mỹ hoặc các nước khác.

Cơ quan này đã có công văn chấn chỉnh, cảnh báo về áp dụng các biện pháp đối với những hàng tiêu dùng giá rẻ lo ngại là thẩm lậu vào Việt Nam bằng những con đường không chính thống, hoặc gian lận về giá, về mã,... sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

“Cơ quan quản lý nghiên cứu áp dụng thuế chống bán phá giá lên các mặt hàng dệt may, điện tử, và nông sản từ nước khác... nếu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh”, bà Hương cho hay.

Cục Hải quan cũng lập danh sách những doanh nghiệp nghi ngờ có thể gian lận về xuất xứ, có sự chuyển tải bất hợp pháp để tăng cường kiểm soát. 

“Chúng tôi kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh trường hợp hàng nước ngoài nhưng đội lốt sản phẩm Việt Nam để xuất đi thị trường Mỹ hoặc các nước khác. Biện pháp chống gian lận thương mại và bảo vệ xuất xứ này đang được triển khai rất quyết liệt”, bà Hương nhấn mạnh.

Mới đây, Cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng ban hành quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để tránh gây nhầm lẫn về xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu và đề nghị bộ này bổ sung, làm rõ quy định về công đoạn gia công chế biến đơn giản tại Nghị định số 31 năm 2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Tăng cường hợp tác hải quan Việt - Mỹ

Mặt khác, Cục Hải quan Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin với Hải quan Mỹ.

Hai bên đang phối hợp triển khai Sáng kiến container: Tại các cảng lớn của Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn an ninh quốc tế, phối hợp với Hải quan Mỹ để đảm bảo an toàn cho hàng hóa xuất khẩu bằng biện pháp soi chiếu trước khi hàng xuất khẩu sang Mỹ. 

Bên cạnh đó, hải quan hai nước cũng thúc đẩy việc triển khai thực hiện “Tuyên bố ý định tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý rủi ro đối với hàng hóa” bao gồm việc thiết lập Chương trình trao đổi dữ liệu hàng hóa điện tử với nước ngoài (FECDEP) tại Việt Nam mà hai bên đã ký kết vào tháng 5/2024. Theo đó, hai bên tiếp tục trao đổi ý kiến về dự thảo “Thỏa thuận hợp tác về việc hợp tác trong việc sử dụng tờ lược khai hàng hóa”. 

Ngoài ra, Cục Hải quan sẽ nhanh chóng xúc tiến đàm phán và ký kết với Hoa Kỳ các thỏa thuận về chống lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp. Đây là cơ sở để hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong điều tra các hành vi vi phạm phòng vệ thương mại. Đồng thời, hai bên sẽ thỏa thuận về việc trao đổi thông tin cảng biển đối với các lô hàng xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam có 14.200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Mỹ. Tổng số thuế thu là 226.700 tỷ đồng (chiếm 11,2% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024), tạo việc làm cho 7,2 triệu lao động (khoảng 22,3% lao động trong khu vực chính thức).

Trong đó có gần 5.000 doanh nghiệp FDI, chiếm 78,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm ngành chủ lực: điện thoại và linh kiện (99,7%), giày dép (79,04%), dệt may (59,76%) và đồ gỗ (61,33%). Có 18/18 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đều là doanh nghiệp FDI.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ung-pho-nguy-co-my-ap-thue-hang-viet-nam-nganh-hai-quan-se-lam-gi-2394672.html