Hội nghị quốc tế tai mũi họng và phẫu thuật đầu - cổ ENT Masterclass® nhận được sự quan tâm đông đảo của các bác sĩ - Ảnh: T.M
Đây là chia sẻ của PGS.TS Lâm Huyền Trân - phó chủ tịch Hội Tai mũi họng TP.HCM bên lề Hội nghị quốc tế tai mũi họng và phẫu thuật đầu - cổ ENT Masterclass® ngày 31-3 diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Anh Đức, cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay theo thống kê chưa chính thức hiện nay tại Việt Nam có đến 20% dân số gặp những vấn đề về hàm - mặt, xoang.
Trong đó, có 10% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Ông cũng nhấn mạnh việc tăng cường áp dụng khoa học, học hỏi kinh nghiệm điều trị của các quốc gia trên thế giới là rất cần thiết, từ đó cải thiện chăm sóc sức khỏe của người dân.
Chia sẻ về bệnh lý viêm mũi xoang - một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến nhất ở nước ta, bác sĩ Trân cho hay ô nhiễm không khí đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý này.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, các bệnh lý liên quan đến mũi xoang chiếm khoảng 30-35% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện mỗi năm.
"Khi không khí bị ô nhiễm khiến niêm mạc mũi, họng dễ bị kích thích hơn. Ngay cả những cái người mà viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi xoang bình thường khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm sẽ trở thành gánh nặng đối với niêm mạc mũi, gây viêm và những đợt viêm xoang cấp.
Trước đây, viêm xoang cấp thường xảy ra khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc với phấn hoa… thì hiện nay viêm xoang cấp xảy ra quanh năm. Thực tế, những năm gần đây tỉ lệ bệnh nhân viêm mũi xoang, viêm nhiễm đường thở có gia tăng do ô nhiễm không khí", bác sĩ Trân cho hay.
Chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên ở mức xấu- Ảnh minh họa: D.LIỄU
Bác sĩ Trân cũng cho hay người dân ở các thành phố lớn, với mật độ dân cư cao có nguy cơ mắc viêm mũi xoang cao hơn. Nguyên nhân là do tại các thành phố lớn có ít khoảng xanh, khí thải từ nhà máy, xe cộ,… làm ô nhiễm môi trường gia tăng.
Để phòng tránh các bệnh hô hấp nói chung và viêm mũi xoang do ô nhiễm môi trường, bác sĩ Trân khuyến cáo người dân nên tự bảo vệ bản thân bằng việc đau khẩu trang thường xuyên, khi ra ngoài. Bên cạnh đó, cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, có thể sử dụng máy lọc không khí.
"Nhiều người ngại điều trị viêm mũi xoang vì cho rằng đây là bệnh mãn tính, không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em.
Chưa kể viêm mũi xoang mãn tính cũng có thể trở nặng khi có đợt cấp, đợt bội nhiễm. Ví dụ viêm mũi xoang có thể gây biến chứng viêm màng não, áp xe não, viêm quanh nhãn cầu hoặc ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy người bệnh cần theo dõi, điều trị nhằm giảm bớt nguy cơ mà biến chứng xảy ra", bác sĩ Trân nhấn mạnh.
Hội nghị đã thu hút hơn 100 bác sĩ tham dự, với 33 bài báo cáo của 14 chuyên gia quốc tế và 7 bác sĩ Việt Nam. Các chuyên gia đã chia sẻ các kỹ thuật tiên tiến như bảo tồn giọng nói trong phẫu thuật tuyến giáp; kiểm soát rối loạn khứu giác; kỹ thuật điều trị nấm xâm lấn mũi xoang,…
Những kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm thực hành lâm sàng, giúp bác sĩ tai mũi họng áp dụng thực tế, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viem-mui-xoang-gia-tang-khong-con-theo-mua-do-o-nhiem-moi-truong-20250331122341461.htm
Bình luận (0)