Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam tăng tốc phủ sóng 5G: Động lực mới cho tăng trưởng GDP và chuyển đổi số

Việt Nam đang đẩy nhanh thương mại hóa 5G theo Nghị quyết 57, với mục tiêu phủ sóng toàn quốc vào 2030, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

VietnamPlusVietnamPlus11/07/2025

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phủ sóng 5G toàn quốc.

Những cam kết và chính sách hỗ trợ cùng quyết tâm mở rộng phủ sóng 5G của các doanh nghiệp viễn thông được kỳ vọng đưa Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu này.

Hạ tầng quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số

5G (5th generation - thế hệ thứ năm) là công nghệ di động tiên tiến nhất hiện nay, kế thừa và nâng cấp từ các thế hệ 1G, 2G, 3G và 4G.

Mạng 5G mang lại tốc độ truy cập nhanh gấp 10 lần 4G, độ trễ gần như bằng 0 và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị cùng lúc. 5G không chỉ đơn thuần là mạng di động băng rộng, khi kết hợp với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, tiềm năng của 5G còn lớn hơn rất nhiều.

Đến đầu năm 2025, mạng 5G đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển công nghệ và mang lại lợi ích vượt trội cho người dùng.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G ngày 3/4/2019. Các nhà mạng như SK Telecom, KT và LG Uplus đã nhanh chóng mở rộng hạ tầng, thu hút hàng triệu người dùng.

Đến nay, hơn 300 nhà mạng trên toàn cầu đã triển khai dịch vụ 5G với khoảng 50 nhà mạng triển khai 5G độc lập. Dự kiến đến cuối năm 2029, 5G sẽ chiếm khoảng 60% tổng số thuê bao di động toàn cầu.

ttxvn-vinaphone-5g.jpg
Tập đoàn VNPT triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo ông Lê Thái Hòa, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ), triển khai và phát triển mạng 5G tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích về công nghệ mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Hạ tầng mạng 5G là nền tảng quan trọng giúp hiện thực hóa các công nghệ đột phá như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…

Với khả năng cung cấp tốc độ siêu cao, độ trễ cực thấp và hỗ trợ kết nối đồng thời lớn, mạng 5G không chỉ là bước nâng cấp về tốc độ truyền dữ liệu mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, sản xuất, đồng thời mở ra cơ hội to lớn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Nghị quyết 57 nêu rõ, nhà nước cam kết đầu tư mạnh vào hạ tầng số, trong đó có mạng 5G.

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chính thức hiện thực hóa chủ trương này.

Theo đó Nghị quyết quy định hỗ trợ các nhà mạng đầu tư vào hạ tầng 5G, Chính phủ sẽ hỗ trợ lên tới 15% tổng giá trị đầu tư nếu doanh nghiệp triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng trong năm 2025.

Ngày 1/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thương mại hóa 5G, phát triển mạnh băng rộng tốc độ cao như động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2030 phủ sóng 5G toàn quốc

Chiến lược phát triển 5G của Việt Nam đã được xác định rõ trong các chính sách về công nghệ số và hạ tầng số quốc gia. Để đạt mục tiêu trong năm 2025 tốc độ truyền tải trung bình là 100 Mbps và đến năm 2030 phủ sóng 5G trên toàn quốc, nhiều giải pháp đang được triển khai tích cực.

son-5953.jpg
Tốc độ mạng 5G MobiFone tại khu vực Tràng Tiền (Hà Nội) thậm chí có thể đạt đến 1.079 Mbps tải xuống, 139 Mbps tải lên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Băng tần được xem là nguồn tài nguyên chiến lược, đóng vai trò huyết mạch trong sự phát triển của ngành viễn thông.

Việt Nam đã ban hành các quy hoạch quan trọng, tập trung vào các băng tần chiến lược như băng tần 2600 MHz, 3700 MHz, dưới 1 GHz và 700 MHz. Tổng cộng, gần 1000 MHz băng tần trong dải 6GHz đã được phân bổ cho viễn thông di động.

Để lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, băng tần dành cho mạng di động 5G được tổ chức đấu giá công khai, minh bạch.

Trong năm 2024, Viettel đấu giá thành công khối băng tần B1 (2500-2600 MHz), VNPT là khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) và MobiFone là khối băng tần C3 (3800-3900 MHz). Tháng 5/2025, Viettel tiếp tục đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần B2 và B2’(713-723 MHz và 768-778 MHz).

Đây là một trong ba khối băng tần 700 MHz - được ví là băng tần “kim cương” bởi khả năng truyền sóng tốt, tín hiệu mạng có thể đi xa và xuyên qua các vật cản như tường, nhà cao tầng… giúp các nhà mạng cải thiện được phạm vi phủ sóng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đấu giá 2 khối băng tần còn lại của băng tần 700 MHz.

Sau khi được cấp quyền sử dụng băng tần, các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai và thương mại hóa dịch vụ 5G với kỳ vọng đóng góp từ 7,3% đến 7,4% vào GDP quốc gia trong năm 2025.

Viettel thương mại hóa 5G từ tháng 10/2024, VNPT từ tháng 12/2024 và MobiFone từ tháng 3/2025.

Thông tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến tháng 5/2025, Viettel, VNPT và MobiFone đã triển khai khoảng 11.000 trạm 5G tại 100% các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và phủ sóng 5G trên 26% dân số.

Theo kế hoạch triển khai 5G của các nhà mạng, dự kiến đến hết năm 2025 số lượng trạm 5G trên toàn quốc sẽ đạt khoảng 68.000 trạm, phủ sóng tới 90% dân số.

ttxvn-5g.jpg
VinaPhone 5G tiên phong siêu tốc độ, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đạt nhất và mang lại tốc độ Internet 5G nhanh nhất Việt Nam dựa trên băng tần ưu việt 3.700-3.800 Mhz. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cụ thể, Viettel đặt mục tiêu đạt 20.000 trạm phát sóng 5G ngay trong năm 2025. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57, Viettel đã khẩn trương báo cáo Bộ Quốc phòng và thực hiện các thủ tục đấu thầu, dự kiến nhanh nhất trong tháng 8/2025 các thiết bị sẽ về.

VNPT đã phủ sóng 5G tới tất cả khu vực trung tâm của các tỉnh, thành phố và những khu vực quan trọng như khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị.

Cùng với đó, VNPT đã hợp tác với các đối tác công nghệ nước ngoài để xây dựng, triển khai chiến lược kinh doanh 5G nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, AI Factory, Network API, vệ tinh, các ứng dụng cho ngành dọc.

VNPT cũng đẩy mạnh hợp tác dùng chung hạ tầng 4G, 5G với các nhà mạng khác để giảm chi phí, mở rộng vùng phủ sóng.

MobiFone tập trung phủ sóng 5G tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn; tăng tốc triển khai 5G tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, đặt mục tiêu triển khai thêm 10.000 trạm phát sóng mới, mở rộng vùng phủ sóng 5G tới 100% xã trên cả nước.

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, việc triển khai 5G trên các băng tần trung đã góp phần quan trọng đưa tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động của Việt Nam trong quý I/2025 lần đầu lọt top 20 thế giới, với tốc độ tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 4/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76 GHz và 81-86 GHz (được gọi là băng tần E).

Việc ban hành Thông tư tạo nền tảng thuận lợi cho triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao, một thành phần thiết yếu để phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn quốc.

Băng tần E được coi như một giải pháp chiến lược nhờ các đặc tính kỹ thuật ưu việt với khả năng cung cấp dung lượng lớn, độ rộng kênh từ 250 MHz đến 2000 MHz.

Băng tần E cho phép triển khai các tuyến truyền dẫn tốc độ cao trong cự ly ngắn, đặc biệt phù hợp với nhu cầu truyền dẫn trong khu vực đô thị mật độ cao, trung tâm dữ liệu và mạng truy nhập vô tuyến 5G./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-tang-toc-phu-song-5g-dong-luc-moi-cho-tang-truong-gdp-va-chuyen-doi-so-post1049142.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm