
Xu hướng của tương lai
Về cơ bản, du lịch y tế (Medical Tourism) là hình thức kết hợp giữa dịch vụ y tế và du lịch, xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý, chất lượng dịch vụ cao hơn hoặc tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại mà tại chỗ không có.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch y tế sẽ là một trong 6 xu hướng phát triển của du lịch thế giới.
Bà Ngô Thị Kim Yến - Chủ tịch Hội Y học TP.Đà Nẵng cho rằng, du lịch y tế không chỉ là một mô hình kinh tế sáng tạo mà còn là giải pháp tích hợp nhiều lợi ích như nâng cao sức khỏe cộng đồng, gia tăng nguồn thu từ du khách, thúc đẩy đầu tư y tế, quảng bá hình ảnh địa phương…
Ước tính, doanh thu toàn cầu từ ngành này hiện đạt hơn 100 tỷ USD/năm và tăng trưởng đều đặn khoảng 15 - 20% mỗi năm. Tại Việt Nam, các chuyên gia ước tính TP.Hồ Chí Minh đang chiếm khoảng 40% nguồn thu từ du lịch y tế của Việt Nam. Trong khi tại miền Trung, loại hình này mới chỉ manh nha khởi động ở các hình thái chưa hoàn chỉnh.
Riêng tại Quảng Nam, việc tiếp cận hình thái du lịch y tế mới ở mức đơn giản, chủ yếu là việc nghỉ dưỡng kết hợp vật lý trị liệu tại một số khu lưu trú ven biển. Cũng có số ít khách du lịch quốc tế đến Hội An sử dụng dịch vụ y tế và đánh giá cao về chất lượng, chi phí, nhưng chủ yếu là đột xuất, không nằm trong kế hoạch.
Theo ông Ngô Đức Hải - Tổng Giám đốc Bệnh viện Thiện Nhân Đà Nẵng, những điều kiện cốt lõi để thúc đẩy “công nghiệp du lịch y tế” là phải có sản phẩm y tế đặc biệt, sản phẩm du lịch đặc biệt và giao thông hiện đại. Khi kết hợp được các yếu tố này thì mới tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến du lịch y tế khác.
Cơ hội nào cho Quảng Nam - Đà Nẵng?
Theo các chuyên gia, nhìn chung Quảng Nam - Đà Nẵng hội tụ nhiều lợi thế để tiếp cận du lịch y tế. Trong đó một số điểm mạnh nổi bật như là “cửa ngõ” của miền Trung và khu vực Đông Nam Á; đã xây dựng được thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam; chất lượng khí hậu - môi trường sống tốt; tài nguyên dược liệu dồi dào; chất lượng y tế ngày một cải thiện…

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc công ty du lịch - sự kiện - vận chuyển VITRACO nhận định, trước hết Đà Nẵng (bao gồm cả Quảng Nam) cần xác định thị trường khách du lịch tiềm năng trong lĩnh vực du lịch y tế.
Từng thị trường sẽ có nhu cầu riêng để định vị loại hình phù hợp. Ví dụ khách Âu - Mỹ - Úc có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, điều trị phục hồi chức năng hoặc chăm sóc sức khỏe sau trị liệu thì loại hình phù hợp là du lịch wellness (trải nghiệm du lịch nhằm thư giãn, nâng cao sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần).
Khách Nhật Bản có tỷ lệ dân số già cao nên có nhu cầu dưỡng lão kết hợp chăm sóc sức khỏe. Loại hình phù hợp với du khách Nhật là du lịch dưỡng lão kết hợp nghỉ dưỡng trị liệu…
Gợi mở thêm từ các doanh nghiệp du lịch, Quảng Nam - Đà Nẵng có đầy đủ chất liệu để xây dựng các “gói” du lịch du lịch đặc sắc cho từng thị trường như: “Du lịch dưỡng lão - nghỉ dưỡng dài ngày” cho khách quốc tế với các hoạt động lưu trú ở các resort cao cấp, yên tĩnh; chăm sóc sức khỏe định kỳ; thiền - yoga - âm nhạc trị liệu; trải nghiệm văn hóa… Hoặc gói du lịch sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam với các hoạt động nghỉ dưỡng tại các khu vực có khí hậu tốt (Núi Thành - Hội An - bán đảo Sơn Trà…), tắm khoáng - đông y, thiền - dưỡng sinh - thăm làng nghề…
Tuy nhiên, điểm yếu chung là hiện chưa hình thành tour liên kết điểm đến phục vụ du lịch y tế. Thêm nữa, một số tài nguyên phục vụ du lịch y tế còn ở dạng thô, chưa được khai phá, nhất là ở phía Quảng Nam.
Trước mắt, nếu thực sự muốn khởi động lĩnh vực này, hai địa phương cần sớm xây dựng “hệ sinh thái” du lịch y tế tích hợp, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch y tế cũng như thiết lập các mô hình liên kết cụ thể giữa các bên.
Tháng 5/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm phát huy giá trị của y dược cổ truyền trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa; đưa y dược cổ truyền trở thành một dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho du lịch và y tế.
Trong khi đó, tháng 3/2025, UBND TP.Đà Nẵng ban hành Kế hoạch phát triển du lịch y tế trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ; xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực cao với mục tiêu đưa ngành y tế Đà Nẵng trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/mo-loi-cho-du-lich-y-te-xu-quang-3153202.html
Bình luận (0)