Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam tập huấn ở nước ngoài: Đi một ngày đàng…

Chuyện 18 cầu thủ trẻ sang Brazil tập huấn trong vòng 1 năm đem đến nhiều luồng tranh luận trái chiều từ giới mộ điệu. Nhưng đây là điều mà bóng đá Việt Nam cần thực hiện và nhân rộng, nếu như muốn đưa nội lực lên một tầm cao mới.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân11/07/2025

Hướng đi bất ngờ

Bóng đá Việt Nam cử cầu thủ tài năng sang nước ngoài tập huấn không mới. Nhưng quãng thời gian rèn luyện khi xuất ngoại kéo dài lên tới hơn 1 năm thì lại là điều hiếm thấy trong lịch sử. Trước khi CLB TP Hồ Chí Minh thông báo 18 cầu thủ trẻ từ Học viện BMG và chương trình hợp tác với Lyon (Pháp) sang đào tạo từ 1-3 năm ở Gremio (Brazil), trường hợp tương tự gần nhất và duy nhất đã diễn ra từ năm… 1967.

Lúc bấy giờ, 26 cầu thủ Thể Công ở độ tuổi 17-18 đã lên tàu đi xuyên qua Trung Quốc sang Triều Tiên. Mang tiếng đi nước ngoài, nhưng những ngày tháng tập luyện bên đất bạn cực kỳ gian khổ, đặc biệt là điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Báo giới thời đó kể lại, vào mùa đông, nhiệt độ xuống -17 độ C. Các cầu thủ khi tập chạy việt dã xong, tay cứng lại đến nỗi không rút ra khỏi găng được.

1 năm tập huấn tại Triều Tiên, Thể Công thi đấu 40 trận với các đội bạn. Có thời điểm, đội chơi trung bình 1 ngày/trận, liên tục trong một quãng thời gian. Cũng nhờ đó, nền tảng thể lực của cầu thủ Thể Công tăng lên mạnh mẽ. Những Vũ Đình Bội, Thế Anh, Ngọc Chí, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Duy Phú, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật… trưởng thành vượt bậc. Về sau, những cầu thủ này đã nhanh chóng trở thành trụ cột của Thể Công và ĐTQG trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Bóng đá Việt Nam tập huấn ở nước ngoài Đi một ngày đàng … -0
18 cầu thủ trẻ Việt Nam có thể mở đường cho một cuộc cách mạng phát triển nội lực, dựa trên các chuyến xuất ngoại dài hạn trong tương lai gần.

Mô hình tập huấn ở nước ngoài của Thể Công sau đó được triển khai ở một số CLB, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, kết quả rèn luyện không như kỳ vọng của chính người trong cuộc. Lương Xuân Trường, một trong bốn cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG thừa nhận chuyến đi sang Arsenal không hào nhoáng và thành công như nhiều người tưởng tượng. Trên podcast cá nhân, tiền vệ người Tuyên Quang thẳng thắn chỉ ra rằng anh cùng Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh không hề được hỗ trợ đến từ HLV Arsene Wenger như báo chí đăng tải. Bản thân họ cũng rơi vào cảm giác lạc lõng khi không thể theo kịp trình độ của các cầu thủ châu Âu, châu Phi trong đội hình trẻ của Arsenal lúc bấy giờ.

“Về bài tập thể lực, chúng tôi thua xa các cầu thủ ở đó. Còn về các bài tập với bóng, chúng tôi làm khá ổn. Tuy nhiên cường độ chơi bóng của các cầu thủ bên đó là rất nhanh nên chúng tôi cũng nhanh bị mệt", Xuân Trường thẳng thắn thừa nhận. “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc giao tiếp. HLV và các bạn trong đội nói cực nhanh và khó nghe, và cũng toàn là từ ngữ chuyên môn, những từ mà mình rất ít khi được tiếp xúc. Trước đó, tôi cũng chưa từng được ở trong một môi trường nào kiểu như vậy nên giao tiếp tiếng Anh của mình chỉ ở mức trung bình mà thôi”.

Những gì mà Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều thể hiện trong màu áo HAGL và các đội tuyển Việt Nam thực tế không đến từ 2 tuần tập huấn tại Arsenal. Và chuyến sang London khi ấy theo Xuân Trường vẫn ngả về màu sắc hợp tác, khi HAGL thực hiện một bản giao kèo với “Pháo thủ” trong vòng hơn 10 năm, xoay quanh việc xây dựng học viện bóng đá trẻ.

Một vài chuyến tập huấn khác cũng ngả màu quảng bá, thay vì nâng tầm giá trị cầu thủ như kỳ vọng của người hâm mộ. Nguyễn Lê Phát, 1 trong 3 tài năng trẻ của Trung tâm PVF có dịp sang CLB Deinze (Bỉ) để học hỏi, với thời lượng kéo dài 1 tháng. Dù khẳng định đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ việc xuất ngoại ngắn hạn nhưng trên thực tế, cầu thủ này vẫn chưa tạo ra sức bật đủ lớn tại các đội tuyển trẻ tương ứng. Mới đây nhất, Lê Phát đã phải nói lời chia tay với U23 Việt Nam, sau khi chưa thể chứng minh được khả năng dưới sự theo dõi của HLV Kim Sang Sik. Một cầu thủ khác cũng chưa tạo được sức bật khi tập huấn ở nước ngoài là Hoàng Vĩnh Nguyên. Không phủ nhận hai tháng rèn luyện ở CLB Cadiz (Tây Ban Nha) giúp gương mặt quê Hà Tĩnh tiến bộ so với thực lực bản thân. Song so với sự kỳ vọng mà người hâm mộ chờ đợi, Vĩnh Nguyên đã không thể đáp ứng.

Vẫn cần tiến bước

Có thể thấy, ngoài trường hợp hiếm hoi mang tên Thể Công ở giai đoạn 1967, những chuyến tập huấn hay thi đấu cho CLB nước ngoài của bóng đá Việt Nam về cơ bản không thành công.

Đây cũng là lý do dẫn đến những luồng tranh cãi, khi CLB TP Hồ Chí Minh thông báo 18 cầu thủ ở diện 17-19 tuổi sang Gremio (Brazil) học hỏi trong vòng 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng cầu thủ Việt Nam cần phải xuất ngoại sớm hơn, tức là từ 13-15 tuổi. Cũng có quan điểm đánh giá việc sang Brazil là không phù hợp với thể trạng và cách thức phát triển của tài năng bóng đá Việt Nam.

Chi phí đầu tư cho kế hoạch này không hề thấp. Nguồn tin từ báo chí Brazil đăng tải, Gremio sẽ nhận 700.000 USD/năm (tương đương gần 20 tỷ đồng) nhờ việc nhận đào tạo cho 18 cầu thủ trẻ từ Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo CLB TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh chi phí lên tới 30-40 tỷ đồng. Giữa những nguồn tin chưa thật sự khớp nhau về con số, một vài chuyên gia tin rằng với khoản tiền lên đến chục tỷ đồng, CLB TP Hồ Chí Minh có thể lựa chọn một hình thức khác để đào tạo cầu thủ, với số lượng và chất lượng cao.

Tất nhiên, giữa dòng quan điểm e ngại và không thật sự ủng hộ, nhiều cổ động viên và chuyên gia chờ đợi việc cầu thủ trẻ Việt Nam cần được tập huấn với một thời gian dài ở nước ngoài. Thứ nhất, đây là điều mà nhiều quốc gia châu Á đã áp dụng. Dựa trên số lượng nhất định xuất ngoại và được đào tạo, một vài cầu thủ có thể trưởng thành và tạo sức bật tốt trong sự nghiệp chuyên nghiệp. Thứ hai, thực tiễn bóng đá trẻ Việt Nam đang chạm ngưỡng phát triển về cách thức đào tạo. Vậy nên ngoài việc mời các chuyên gia ngoại về hỗ trợ, đào tạo HLV đẳng cấp cao thì việc đưa các nhóm cầu thủ sang nước ngoài rèn giũa, giống với các môn thể thao đỉnh cao khác là lựa chọn đáng để thực hiện.

Sau cùng, nội lực bóng đá Việt Nam chưa thành công với việc thi đấu ở nước ngoài. Việc tự lực cánh sinh, cạnh tranh với các cầu thủ châu Âu hay châu Á của những Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng,… đều không đem đến hiệu quả như mong muốn. Hiển nhiên, việc được đào tạo ở nước ngoài dài hạn, tham gia vào các đội hình trẻ cấp CLB chuyên nghiệp là hành trang giúp cho những cầu thủ Việt Nam tích luỹ đáng kể về kinh nghiệm và hoà nhập.

Kế hoạch ươm mầm

Theo chia sẻ của CLB TP Hồ Chí Minh, 3 trong 18 cầu thủ Việt Nam sang Brazil thuộc nhóm U19. 3 cầu thủ này sẽ được đào tạo trong 1 năm. 15 cầu thủ còn lại sẽ đi dài hạn. Nhưng mỗi năm CLB TP Hồ Chí Minh đều có sàng lọc để đánh giá lại. Sau lứa đầu tiên, đội bóng sẽ cho đi thêm đợt hai với 10 cầu thủ nữa. Như vậy, chi phí đầu tư dài hạn kéo dài từ 3-4 năm có thể lên đến cả trăm tỷ đồng.

Không chỉ được tập luyện ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp tại Học viện Gremio, các cầu thủ TP Hồ Chí Minh còn được thi đấu giao hữu hàng tuần và tham dự các giải đấu trẻ vốn có rất nhiều tại Brazil hay Nam Mỹ để cọ xát và nâng cao trình độ.

Các đội trẻ của Học viện Gremio không chỉ đi đá giao hữu ở Argentina, Chile, Uruguay và Colombia mà còn đến Đức hay Bồ Đào Nha thi đấu. Việc cọ xát với nhiều đối thủ có nhiều lối chơi khác nhau giúp các cầu thủ Học viện Gremio phải nỗ lực tấn công tốt hơn và cải thiện khả năng phòng ngự.

Nguồn: https://cand.com.vn/the-thao/bong-da-viet-nam-tap-huan-o-nuoc-ngoai-di-mot-ngay-dang-i774402/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm