Trên địa bàn xã Thiên Cầm vừa ghi nhận một ca bệnh sốt rét đi từ Angola trở về nước. Bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, rét run và đã đi khám, điều trị tại phòng khám tư trên địa bàn nhưng không phát hiện ra bệnh sốt rét. Đến khi bệnh tiến triển nặng nên người nhà đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu máu làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với ký sinh trùng sốt rét.

Ngay sau khi xác định đây là ca bệnh sốt rét có thể giao bào (một thể gây lây lan cho cộng đồng thông qua muỗi sốt rét đốt hút máu bệnh nhân) nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) phối hợp Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên và Trạm Y tế xã Thiên Cầm khẩn trương khoanh vùng giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên của gia đình, các hộ xung quanh. Tổ chức điều tra bắt và định loại muỗi sốt rét, tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ và phun hóa chất diệt muỗi tại gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống. Đồng thời tiến hành lấy hơn 60 lam máu của các thành viên trong gia đình và hộ dân trong khu vực liền kề để làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét.
Đây là ca sốt rét ngoại lai thứ 6 được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh từ đầu năm 2025 cho đến nay. Điều này dấy lên những lo ngại về nguy cơ dịch bệnh sẽ quay trở lại và lây lan trong cộng đồng nếu không được phát hiện kịp thời.

Không chỉ sốt rét, Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết ngoại lai. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 8 ca sốt xuất huyết ngoại lai, chủ yếu tập trung ở các địa phương như: xã Thiên Cầm, xã Kỳ Xuân và phường Hoành Sơn.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Tĩnh cho biết: Dù đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch song qua giám sát, điều tra véc-tơ tại các địa phương cho thấy vẫn còn một số hộ dân chưa quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, các vật dụng, phế thải chứa nước, tỷ lệ bọ gậy trong các phế thải chứa nước ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo dự báo từ ngành y tế, với điều kiện thời tiết nắng nóng và có mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, dẫn đến nguy cơ lây lan mầm bệnh. Nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống kịp thời thì rất có thể tình hình dịch sốt xuất huyết ở một số địa phương trong tỉnh sẽ diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra sớm hơn các năm.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc CDC Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Dù đến nay, các ca sốt rét và sốt xuất huyết ngoại lai chưa lây lan trong cộng đồng song đó cũng là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ luôn tiềm ẩn của dịch bệnh. Đặc biệt, trên địa bàn vẫn có muỗi anophen lây truyền bệnh sốt rét và muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết và ngăn chặn nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì đòi hỏi phải có sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.
Theo đó, người dân cần chủ động phòng, chống dịch bằng cách tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh. Thực hiện tốt nhất phương châm “không có muỗi vằn, không có bọ gậy, lăng quăng, không có sốt xuất huyết. Chủ động dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, diệt lăng quăng, diệt muỗi. Khi ngủ mắc màn để phòng muỗi đốt… Người dân khi đi từ vùng có sốt rét lưu hành về cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Khi nghi ngờ mắc sốt rét, sốt xuất huyết, cần đến ngay các cơ sở y tế khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời, tránh những nguy cơ biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Nguồn: https://baohatinh.vn/can-trong-voi-cac-ca-benh-sot-xuat-huyet-va-sot-ret-ngoai-lai-post291503.html
Bình luận (0)