Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, sống tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng tự do tôn giáo để xúi giục, lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ, cả tin thực hiện những hành vi gây mất an ninh trật tự, chia rẽ cộng đồng... Đơn cử như thời gian vừa qua, một số kẻ đã dựng nên tà đạo Hà Mòn gây nhiều hệ lụy cho nhân dân.
Để có thể giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn hoạt động và những thủ đoạn lôi kéo, xúi giục của tà đạo Hà Mòn, chúng tôi đã đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nơi đã từng là “điểm nóng” trong cuộc chiến xóa bỏ “ngọn gió độc” tà đạo Hà Mòn.
Đội lốt sinh hoạt tôn giáo, chia rẽ cộng đồng
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Ngọk Wang của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Theo ghi nhận của địa phương, trước đây tại địa bàn thôn Kon Gu 1 (xã Ngọk Wang) từng có 27 hộ/54 khẩu gia đình dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin bị những đối tượng xấu lôi kéo tham gia tà đạo Hà Mòn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí A Hờ Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Wang thông tin, hơn 10 năm trước, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lạc hậu. Việc tiếp cận thông tin so với các vùng thành thị còn rất nhiều hạn chế. Nhận thấy điều này, các đối tượng xấu tìm cách tiếp cận, rót vào tai bà con những lời ngon tiếng ngọt, hứa hẹn với bà con về một cuộc sống với sự giàu sang, ấm no, đủ đầy thông qua… cầu nguyện.
Bên cạnh đó, chúng lợi dụng giờ giấc sinh hoạt hoạt của bà con, thường xuyên phải lên rẫy cả ngày, đến tối mới trở về. Đây là thời điểm chúng lựa chọn để tiếp cận dụ dỗ bà con; đồng thời có thể lẩn tránh sự nắm bắt của các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Và rồi, bởi sự nhẹ dạ cả tin, một số người dân đã tin theo tà đạo Hà Mòn. Những người này tự cô lập, tách mình ra khỏi cộng đồng, không lao động sản xuất, chỉ tập trung cầu nguyện để mong có cuộc sống giàu sang... Qua đó, tạo nhiều nguy cơ, hệ lụy đối với an ninh trật tự trên địa bàn.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng bà Y Tor (thôn Kon Gu 1) vẫn nhớ như in những lời trăn trối đầy ăn năn của mẹ mình: Kể từ khi lầm lỡ tin những đối tượng xấu, đi theo tà đạo Hà Mòn, mẹ không biết đường nào là đúng, đường nào là sai nữa! Mẹ cứ suy nghĩ mãi mà không tìm thấy lối ra. Họ nói gì mẹ cũng tin, nghe và làm theo. Thậm chí, mẹ còn lôi kéo cả con và những người khác đi vào con đường tà đạo Hà Mòn. Thật may là con đủ kiến thức, đủ hiểu biết để không đi theo “vết xe đổ” của mẹ. Đến cuối đời, mẹ cảm thấy mình thật may mắn vì đã thoát khỏi tà đạo Hà Mòn, được trở về với cuộc sống trước đây.
Bà Y Tor tại thôn Kon Gu 1 nói về quá trình lầm lỡ của mẹ mình khi theo tà đạo Hà Mòn.
Trường hợp của bà Y Nuôn (mẹ của bà Y Tor) không hiếm, bởi các đối tượng xấu thường nhắm đến người già, phụ nữ để dụ dỗ, lôi kéo. Sau đó, chúng sử dụng những nạn nhân này như “mồi câu” để dẫn dụ những người khác trong gia đình tham gia tà đạo Hà Mòn. Đặc biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số thường sống theo cộng đồng làng, chính vì vậy, tà đạo Hà Mòn tựa như những “vệt dầu loang” len lỏi đến những người khác, gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng làng xã.
Xâm nhập vào vùng biên giới
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây cũng là một trong những địa phương ghi nhận sự xâm nhập, tiếp cận của tà đạo Hà Mòn từ khá sớm. Sa Loong là một xã biên giới khó khăn, đời sống bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn lắm lạc hậu, ít được tiếp cận thông tin. Toàn xã có 6 thôn, trong đó tại thôn Giang Lố I và thôn Giang Lố II, bà con theo đạo Công giáo; thôn Bun Ngai có một số hộ theo đạo Tin lành.
Theo ghi nhận, vào năm 2003, tà đạo Hà Mòn đã xuất hiện tại thôn Giang Lố II. Cụ thể, người cầm đầu tự xưng là Giáo phu A Giêng. Hằng ngày, có 53 hộ/200 khẩu tập trung tại nhà A Giêng để đọc kinh trái pháp luật.
Thời gian tụ tập đọc kinh của nhóm này là từ 7h sáng đến trưa và buổi chiều từ 17h đến 19h. Vào ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, thời gian đọc kinh kéo dài thêm khoảng 30 phút. Riêng ngày 10, 20 và 30 hằng tháng, nhóm này còn tổ chức lễ dâng hoa.
Nhóm đối tượng mang tà đạo Hà Mòn đến đây đã mượn danh nghĩa các tín ngưỡng dân tộc; đồng thời dựa vào giáo lý, giáo luật của tôn giáo khác rồi tự biên soạn, đặt ra những điều luật, nội dung theo mục đích của chúng. Qua đó, chúng trói buộc, từng bước làm mụ mị suy nghĩ của những tín đồ sùng đạo, đưa những tín đồ nhẹ dạ, cả tin vào tròng. Sau đó, các đối tượng này sai khiến, tập hợp những người đã tin theo thành những nhóm, cộng đồng nhỏ, đội lốt sinh hoạt tôn giáo để gây rối trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Thực tế, xã Ngọk Wang và Sa Loong chỉ là 2 trong số các địa bàn của tỉnh Kon Tum từng bị “gió độc” mang tên tà đạo Hà Mòn quét qua. “Gió độc” này đã gây ra ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nguy cơ đe dọa trật tự an ninh, an toàn xã hội, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng đó, cần có sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để đấu tranh, xóa bỏ “gió độc” tà đạo Hà Mòn lây lan, phát triển.
(Còn nữa)
Nguồn: https://baodaknong.vn/canh-giac-voi-gio-doc-ta-dao-len-loi-xam-nhap-doi-song-xa-hoi-249149.html
Bình luận (0)