Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chạy đua đưa AI, công nghệ vào du lịch

Các doanh nghiệp du lịch TP HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đưa sản phẩm dịch vụ lên sàn thương mại điện tử để nâng chất, tạo sự khác biệt

Người Lao ĐộngNgười Lao Động08/05/2025

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 nhưng từ nhiều ngày trước đó, hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi đã đổ về TP HCM để tham gia đại lễ, chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức.

Không khỏi bất ngờ

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 không chỉ là nơi để người dân và khách tham quan chiêm bái mà còn là cơ hội để ngành du lịch quảng bá điểm đến, hình ảnh, con người Việt Nam tới bạn bè trên thế giới.

Đáng chú ý, tại khu vực đón tiếp ở trung tâm Đại lễ Vesak 2025, nhiều khách tham quan không khỏi bất ngờ trước sự xuất hiện của các robot lễ tân thông minh. Tổng cộng 6 robot được bố trí tại đây, có khả năng giao tiếp bằng 6 ngôn ngữ phổ biến ở các quốc gia có đông tín đồ Phật giáo, gồm: tiếng Việt, Anh, Trung, Ấn Độ, Thái Lan và Sri Lanka.

Ông Đinh Hoàng Kiên, nhà sáng lập Công ty VedaX - đơn vị triển khai nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, cho hay một hệ thống AI tích hợp trên nền tảng VedaX AI Platform, sử dụng công nghệ ZeroChat và ZeroPhone đã được ban tổ chức đại lễ triển khai trên 6 robot. Khách tham quan chỉ cần bấm nút "Start call" sẽ được nghe giải đáp các thông tin về lịch trình đại lễ, hoạt động chiêm bái, hội thảo học thuật, các chương trình văn hóa - văn nghệ, vị trí bãi đỗ xe, khu vực vệ sinh...

Trước đó, du lịch TP HCM đã bùng nổ trong tháng 4 khi cả nước cùng hướng về Đại lễ 30-4, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, chỉ trong 15 ngày (từ 20-4 đến 4-5), thành phố đón khoảng 2,7 triệu lượt du khách trong nước và hơn 355.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu đạt mức "khủng" - hơn 15.700 tỉ đồng. Đây là kết quả tăng trưởng vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu quý II/2025 của ngành du lịch TP HCM.

Thực tế, đây là "quả ngọt" mà du lịch TP HCM và cả nước gặt hái được sau thời gian đầu tư vào sản phẩm dịch vụ, xây dựng các tour, tuyến độc đáo, hấp dẫn, bao gồm việc ứng dụng công nghệ.

Hiện tại, trong xu thế chuyển đổi số, ngành du lịch thành phố vẫn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xúc tiến, quảng bá và kết nối thị trường. Mới đây nhất, Sở Du lịch TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với sàn thương mại điện tử B2B Arobid nhằm xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hiện đại và bền vững.

Theo thỏa thuận, Arobid sẽ xây dựng và vận hành các triển lãm số cho nhiều sự kiện quan trọng, như Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM - ITE HCMC, Lễ hội Sông nước TP HCM, Tuần lễ Du lịch TP HCM, cùng các chương trình kích cầu du lịch khác trong năm. Ngoài ra, hai bên còn nghiên cứu, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến chuyên ngành du lịch để giải quyết nhu cầu nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch TP HCM.

Chạy đua đưa AI, công nghệ vào du lịch - Ảnh 1.

Du khách thích thú với robot lễ tân tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Ảnh: LÊ TỈNH

Yêu cầu bắt buộc

Là đơn vị hợp tác với Arobid nhằm phát triển nền tảng triển lãm số chuyên biệt cho ngành golf và du lịch golf, ông Trịnh Thành - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam - nhận định việc đưa ngành du lịch lên thương mại điện tử sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo ông Trịnh Thành, thay vì mỗi DN phải tự đầu tư website, nền tảng số, hệ thống đa ngôn ngữ hay công nghệ AI, các đơn vị trong ngành có thể tận dụng các nền tảng sẵn có như Arobid để giới thiệu toàn bộ hệ sinh thái dịch vụ, từ sân golf, khách sạn, nhà hàng đến vận chuyển trên cùng một điểm. "Du khách quốc tế chỉ cần truy cập nền tảng là có thể so sánh giá cả, chất lượng của DN du lịch từ Bắc đến Nam và đặt dịch vụ trực tuyến thuận tiện. DN cần chủ động chuẩn hóa thông tin, hình ảnh, giá dịch vụ rõ ràng và chất lượng phục vụ nhằm bảo đảm tính đồng bộ khi tích hợp lên nền tảng. Xây dựng chính sách giá linh hoạt và liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong chuỗi dịch vụ để tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn" - ông Thành nói.

Ngành du lịch TP HCM cũng đang phối hợp triển khai trạm "check in" thông minh - một giải pháp mang trải nghiệm du lịch tương tác hoàn toàn mới. Ông Huy Nguyễn, CEO Phygital Labs, cho biết hệ thống này đã được triển khai tại nhiều địa điểm du lịch nổi bật như Đại nội Huế, Hải Vân Quan, đỉnh Sun World Bà Đen (Tây Ninh), Sun World Fansipan (Lào Cai)…

Hệ thống này hoạt động dựa trên công nghệ NFC, cho phép xác thực hoạt động tham quan, theo dõi số liệu và giám sát lưu lượng truy cập theo thời gian thực. "Hệ thống tích hợp nhiều tính năng hiện đại như tạo khoảnh khắc du lịch, hướng dẫn viên AI, nhiệm vụ tham quan giúp điều hướng dòng di chuyển của du khách, cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chiến lược phát triển bền vững" - ông Huy Nguyễn nói.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhấn mạnh chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch thích ứng với xu thế mới. Việc hợp tác với Arobid - nền tảng "Made in Vietnam" - sẽ là bước đi chiến lược nhằm chủ động ứng dụng công nghệ vào xúc tiến du lịch, thương mại. "Trước đây, kết nối DN, người dân chủ yếu qua hội chợ, hội thảo truyền thống. Nay với nền tảng số, hoạt động xúc tiến trở nên linh hoạt, tiết kiệm chi phí, không giới hạn phạm vi mở rộng thị trường. DN có thể tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhân lực và thúc đẩy kinh tế số ngành du lịch TP HCM" - ông Hòa chia sẻ.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy sau dịch COVID-19, hành vi của du khách đã có sự thay đổi, nhu cầu đặt dịch vụ online trước chuyến đi; thanh toán không tiền mặt và thích trải nghiệm số như AR/VR. 

Hướng đến hệ sinh thái thông minh

Theo Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như tăng tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh... Hiện 366 tài nguyên du lịch TP HCM đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được đưa lên sàn Shopee, Traveloka để du khách, người dân tìm hiểu.

Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (Big Data), AI, thẻ du lịch số sẽ góp phần kiến tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng thời thúc đẩy đào tạo và hỗ trợ các startup du lịch công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo các chuyên gia, những nỗ lực chuyển đổi số sẽ tạo cú hích quan trọng, tạo hệ sinh thái thông minh, giúp du lịch TP HCM tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore...


Nguồn: https://nld.com.vn/chay-dua-dua-ai-cong-nghe-vao-du-lich-196250507220856383.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm