Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chốt mốc thời gian thu hồi đất Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Theo kế hoạch, năm nay, Đồng Nai sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Tùy theo vị trí, các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện di dời vào tháng 7 hoặc trước tháng 12-2025.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai15/04/2025

Một doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Ảnh: H.Lộc
Một doanh nghiệp sản xuất dây và cáp điện trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: H.Lộc

Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm triển khai dự án phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Di dời trong tháng 7 và trước tháng 12

Ngày 8-4 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã có buổi làm việc với khoảng 80 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, thuê kho bãi, nhà xưởng tại KCN Biên Hòa 1.

Tại đây, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Lê Thanh Điền cho biết, căn cứ vào các quy định của pháp luật, nghị quyết về danh mục dự án thu hồi đất của HĐND tỉnh, quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh, trung tâm đã xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi đất.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thu hồi 298/320 hécta đất của KCN Biên Hòa 1 hiện hữu (phần diện tích còn lại là đất giao thông, công trình công cộng). Mục đích là giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - hành chính của tỉnh và xây dựng khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa, góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan thành phố và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Theo Sở Nông nghiệp và môi trường, hiện KCN Biên Hòa 1 có 76 DN thuê đất, thuê hạ tầng hoạt động; trong đó có 67 DN có thời hạn thuê đất dài nhất là đến năm 2051.

Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất không quá 8 tháng kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Lộ trình cụ thể là: đối với khu đất gần 9 hécta (thuộc khu I có diện tích 75 hécta), thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ hoàn thành trong tháng 7-2025; đối với khu đất 28 hécta thu hồi để xây dựng trụ sở các cơ quan (thuộc khu vực Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh 105 hécta) sẽ hoàn thành trong tháng 7-2025; các khu vực còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 12-2025. Như vậy, có 2 mốc thời gian là trong tháng 7 và trước tháng 12.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Mai Phong Phú cho hay, việc thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sẽ được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Bước đầu tiên là họp phổ biến kế hoạch thu hồi đất đến người dân, DN và tiếp nhận ý kiến. Tiếp đến là ban hành thông báo thu hồi đất; điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; lập, thẩm định, phê duyệt và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cuối cùng là thu hồi đất. Mỗi bước, công đoạn có mốc thời gian khác nhau, đảm bảo đúng trình tự và theo quy định.

Đảm bảo tối đa quyền lợi của người sử dụng đất

Liên quan đến kế hoạch thu hồi đất nói trên, đại diện Công ty TNHH Fashion Garments 2 Phạm Trường Giang cho biết, vì đây là KCN lâu đời, mỗi DN hoạt động trong KCN có đặc thù hồ sơ đất đai, xây dựng khác nhau; có DN được thuê đất trực tiếp với Nhà nước, có DN thuê lại đất của công ty kinh doanh hạ tầng. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xem xét đầy đủ các yếu tố để có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng. Ông Giang kiến nghị khi xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, các cơ quan chức năng xem xét đến phần chênh lệch chi phí thuê đất, xây dựng nhà xưởng mới, khấu hao tài sản khi di dời.

Giám đốc Nhà máy Công ty CP Bibica Võ Quốc Khốm cho rằng, Bibica là cơ sở có lịch sử hoạt động lâu đời tại KCN Biên Hòa 1. Thời hạn thuê đất theo hợp đồng của DN đến năm 2051, nhưng nay phải di dời. Ông Khốm kiến nghị sớm có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện giải quyết nhanh thủ tục về đầu tư, môi trường, quy hoạch 1/500, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đối với dự án nhà máy mới của DN.

Tại hội nghị này, bà Phạm Thị Thu Vân, đại diện Công ty TNHH MTV Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinappro), cho rằng theo quy định hiện hành, chính sách hỗ trợ thiệt hại do phải di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ áp dụng đối với trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Trong khi đó, hầu hết DN tại KCN Biên Hòa 1 thuê đất trả tiền hàng năm. Bà Thu Vân kiến nghị tỉnh xem xét cho các DN thuê đất hàng năm được hỗ trợ thiệt hại di dời như DN thuê đất trả tiền một lần; có chính sách miễn, giảm thuế hoặc tiền thuê đất trong vài năm đầu đối với nhà máy mới di dời.

Chia sẻ với các DN, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho rằng, thu hồi đất để chuyển đổi công năng KCN này là chủ trương lớn của tỉnh, đã có từ nhiều năm. Thời gian qua, một số DN đã chủ động di dời nhà máy đến địa điểm khác và ổn định sản xuất. Hiện tại, tỉnh xác định đây là dự án cấp bách cần triển khai nhanh.

Hội nghị phổ biến kế hoạch này là bước đầu tiên để thông tin và ghi nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của DN phục vụ cho việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ. Trước khi có phương án hoàn chỉnh và ban hành thông báo thu hồi đất, các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn sẽ tiến hành làm việc với từng DN, kiểm kê, định giá tài sản máy móc, các công trình xây dựng của DN để có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Lộc

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/chot-moc-thoi-gian-thu-hoi-dat-khu-cong-nghiep-bien-hoa-1-109072f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm