Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô

(PLVN) - Tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong khi nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, độ mở cao nên dễ bị “tổn thương”; sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày hôm qua (15/4), thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam16/04/2025

Báo cáo công bố tại Hội nghị cho thấy, năm 2024, cả nước có 671 DNNN, gồm 473 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 198 DN Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của DNNN là hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 227 ngàn tỷ đồng. Như vậy, dù số lượng các DNNN, còn gọi là các tập đoàn, tổng công ty (TCty) chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu DN đang hoạt động của nước ta; nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, khẳng định quan điểm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Từ chủ trương, đường lối, quan điểm, thực tế, cho đến quan niệm trong xã hội, chúng ta phải thừa nhận đã nhắc đến DNNN, hay tập đoàn, là có sức mạnh rất lớn, rất đáng ngưỡng mộ. Vì vậy, nhiều DN tư nhân cũng lấy cụm từ “tập đoàn” vào tên DN mình như “Cty cổ phần tập đoàn…”, “Cty TNHH tập đoàn…”, để mong muốn DN của mình phát triển, mạnh như DNNN. Theo quy định pháp luật (khoản 1 Điều 2 Nghị định 69/2014/NĐ-CP), tập đoàn kinh tế, TCty có Cty mẹ được tổ chức dưới hình thức Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; hoặc Cty mẹ là Cty cổ phần, Cty TNHH hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Chính phủ là cơ quan xem xét lựa chọn và đề nghị thành lập tập đoàn. Phân tích rõ như vậy để thấy các DNNN vừa mang trọng trách, sứ mệnh vinh quang.

Thời gian qua, vai trò của khu vực DNNN tiếp tục được khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác, hỗ trợ, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2025, Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, thì nhân tố DNNN càng đóng vai trò quan trọng. Các dự án của DNNN tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, sẽ góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Với sức mạnh và vai trò của mình, DNNN có thể dẫn dắt thiết lập chuẩn mực các tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình số hóa mẫu, quy trình vận hành hiệu quả để định hướng cho toàn ngành.

Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý, trong quá trình phát triển, con người là nhân tố quan trọng nhất; và trong DNNN, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng hai lần lưu ý, trong bối cảnh mới, các DNNN phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các DN tư nhân tốt hơn nữa, cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo ra những sự phát triển đột phá. Cùng với trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tiên phong gương mẫu, nhất định DNNN sẽ không phụ lòng tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Nguồn: https://baophapluat.vn/cong-cu-huu-hieu-dieu-tiet-kinh-te-vi-mo-post545524.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm