Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Cú hích' từ thương mại điện tử

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử...

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên11/07/2025

Tại các phiên chợ OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã mời các diễn viên nổi tiếng kết hợp các chủ hợp tác xã livestream bán hàng.
Tại các phiên chợ OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã mời các diễn viên nổi tiếng kết hợp các chủ hợp tác xã livestream bán hàng.

Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản Thái Nguyên chủ yếu dựa vào hình thức bán lẻ truyền thống, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp thấp. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Từ đây, các doanh nghiệp, HTX, người dân dần tiếp cận với TMĐT, có thể tự quay clip quảng bá cho sản phẩm hàng hóa của mình làm ra, trực tiếp tham gia các phiên bán hàng trực tuyến do tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Thành công lớn nhất là Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với TikTok Việt Nam, Công ty TNHH Shopee Việt Nam. Từ đây, hàng triệu khách hàng trên cả nước đã được tiếp cận các mặt hàng hóa nông sản ở tỉnh Thái Nguyên trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop, trên nền tảng TMĐT Shopee.

Sau nhiều ngày nỗ lực, được sự đồng hành, giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Công Thương Thái Nguyên và Shopee Việt Nam, đầu tháng 4-2025, HTX Sản xuất và Thương mại, dịch vụ Bản Việt cho ra mắt Gian hàng Bản Việt - Thái Nguyên trên Sàn TMĐT Shopee kết nối với Trang “Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên”.

Chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại, dịch vụ Bản Việt, thông tin: Tính đến ngày 3/7/2025, HTX Bản Việt đã tổ chức 120 phiên livestream quảng bá, bán sản phẩm trên nền tảng TMĐT Shopee; đăng tải được 84 sản phẩm/bộ sản phẩm lên gian hàng; bán thành công 900 đơn hàng. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị, HTX để đưa sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lên gian hàng; tổ chức livestream bán hàng hằng ngày để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân các xã phía Bắc của tỉnh livestream bán sản phẩm nông nghiệp.
Nông dân các xã phía Bắc của tỉnh livestream bán sản phẩm nông nghiệp.

Với các xã phía Bắc của tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, hội, đoàn thể đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân tạo tài khoản trên các sàn TMĐT. Theo thống kê đến đến nay có gần 16.000 hộ nông dân ở Bắc Kạn (cũ) được hỗ trợ tạo tài khoản trên sàn TMĐT, với trên 300 sản phẩm đặc sản được đưa lên sàn Postmart.vn.

Trong tháng 4-2025, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (nay là Thái Nguyên) tổ chức 8 lớp tập huấn cho gần 300 giám đốc HTX, tổ trưởng tổ hợp tác về chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường TMĐT.

Thông qua những chương trình tập huấn và hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác đến tạo tài khoản TMĐT, hàng nghìn nông dân ở các xã phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên đã có thể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số.

Mở rộng không gian kinh doanh

Không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông lâm nghiệp kinh doanh trên các sàn TMĐT, tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh xây dựng mô hình tuyến phố TMĐT.

Hoạt động này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của kinh tế số, mở ra nhiều cơ hội mới và tăng trải nghiệm cho khách hàng kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và thực tế; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa logistics.

Cán bộ Sở Công Thương khảo sát xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.
Cán bộ Sở Công Thương khảo sát xây dựng tuyến phố thương mại điện tử.

Chị Đoàn Thị Thùy Dương, chủ shop "Thùy Dương - thời trang công sở" trên đường Lương Ngọc Quyến, phường Phan Đình Phùng, chia sẻ: Tôi và các hộ kinh doanh đăng ký tham gia tuyến phố TMĐT đã được Sở Công Thương tập huấn tổng quan về TMĐT và kinh doanh trực tuyến.

Chúng tôi còn được hướng dẫn cách thức mở, vận hành gian hàng trên Shopee, TikTok shop và quản lý đơn hàng, chụp ảnh sản phẩm, kỹ thuật thiết kế với phần mềm Canva; chỉnh sửa video với phần mềm Capcut; phương pháp livestream trên nền tảng TikTok, Shopee, quảng bá sản phẩm và thiết lập chương trình khuyến mãi... qua đó giúp mở ra cơ hội mới trong kinh doanh, chị Đoàn Thị Thùy Dương cho biết thêm.

Không riêng chị Đoàn Thị Thùy Dương, đến nay đã có 162 cơ sở kinh doanh tại tuyến đường Lương Ngọc Quyến đăng ký tham gia mô hình tuyến phố TMĐT để mở gian hàng, kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng TMĐT.

Na Võ Nhai định danh số, gia tăng giá trị

Để thúc đẩy phát triển theo chuỗi giá trị, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm Na Võ Nhai làm cơ sở để nhân rộng hướng tới hình thành “vườn Thái Nguyên” trên môi trường số đối với những cây trồng thế mạnh, lợi thế của tỉnh. Qua đó thay đổi dần tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi số.

Trung tâm Khuyến nông và Môi trường (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã xây dựng mô hình vườn na Võ Nhai trên môi trường số với quy mô 100 cây. Mô hình thực hiện chăm sóc theo VietGAP, thâm canh rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch với sản lượng đạt 20-30kg/cây/năm, gắn mã số từng cây, ứng dụng phần mềm quản lý thực hành sản xuất và bán cây trên nền tảng số.

Có 2 hộ gia đình là ông Kiều Thượng Chất và ông Nguyễn Văn Giang, ở xóm Mỏ Gà, xã Võ Nhai, tham gia mô hình này. Thời gian thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12-2025.

Hộ ông Kiều Thượng Chất xóm Mỏ Gà, xã Võ Nhai có 60 cây na gắn mã định danh thông qua mã QR chứa đựng tất cả các dữ liệu về nông hộ để kết nối qua camera 24/7.
Hộ ông Kiều Thượng Chất có 60 cây na gắn mã định danh thông qua mã QR.

Mô hình được trang bị vận hành hệ thống camera 24/7 kết nối nền tảng số. Xây dựng và gắn mã định danh cho từng cây na thông qua mã QR chứa đựng tất cả các dữ liệu về nông hộ, thông tin của cây na để kết nối qua camera 24/7. Vận hành nền tảng số gắn kết vườn trồng na và người mua cây na trên môi trường số.

Mục tiêu của mô hình khi áp dụng TMĐT để bán cây na và trải nghiệm chăm sóc cây na giúp gia tăng giá trị, 1 cây na giúp người nông dân thu hoạch 6 triệu đồng/năm.

Việc đa dạng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, kinh doanh trên các nền tảng TMĐT đã có những đóng góp tích cực vào phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Doanh số TMĐT của tỉnh hiện chiếm khoảng trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối trực tuyến, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiêu dùng và nông sản…

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/cu-hich-tu-thuong-mai-dien-tu-0bd1206/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm