Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không đạt chuẩn xuất khẩu, sầu riêng sẽ dội chợ?

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt vào vụ thu hoạch sầu riêng. Trước đó, nhiều nhà vườn được thương lái đặt cọc, đưa ra mức giá cao để thu hoạch sầu riêng cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng khi đến kỳ thu hoạch, thương lái vào vườn kiểm tra thì không thể thu mua hoặc thu mua với giá thấp vì tỷ lệ sầu riêng bị sượng cao, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai11/07/2025

Thương lái thu hoạch sầu riêng tại vùng trồng sầu riêng xuất khẩu 
thuộc phường Hàng Gòn. Ảnh: B,Nguyên
Thương lái thu hoạch sầu riêng tại vùng trồng sầu riêng xuất khẩu thuộc phường Hàng Gòn. Ảnh: B,Nguyên

Theo các hợp tác xã (HTX), thương lái mua sầu riêng trên địa bàn tỉnh, mọi năm vào thời gian này, các kho đóng sầu riêng xuất khẩu tấp nập xe ra vào nhập hàng. Nhưng năm 2025, vài tuần trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều ngày tạm ngưng nhập hàng vì sầu riêng bị sượng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều vùng trồng sầu riêng bắt đầu rộ vụ thu hoạch, thị trường sầu riêng đang đối mặt với nguy cơ dội chợ,
rớt giá.

Sầu riêng rớt giá do bị sượng

Sầu riêng là mặt hàng có giá trị cao do xuất khẩu tốt. Theo đó, trước khi sầu riêng vào vụ thu hoạch, đa số nhà vườn được thương lái đến vườn đánh giá rồi thỏa thuận mức giá mua. Nếu hai bên đều đồng ý thì thương lái đặt cọc, hẹn ngày đến cắt sầu riêng. Hình thức này được gọi là mua “sầu riêng non” theo kiểu bao vườn.

Theo nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh, vụ thu hoạch sầu riêng của Đồng Nai tập trung từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Riêng năm 2025, thời tiết thất thường nên nhiều địa phương hiện mới vào vụ thu hoạch, trễ hơn mọi năm từ 1-2 tháng, tùy theo vùng sản xuất. Sầu riêng trễ vụ khiến năng suất, chất lượng trái đều không bằng mọi năm. Đặc biệt, vài tuần trở lại đây, thương lái mua sầu riêng kiểm tra vườn phát hiện tình trạng sầu riêng bị sượng do những đợt mưa lớn kéo dài vào thời điểm trái gần thu hoạch.

Do không đạt chuẩn xuất khẩu nên giá sầu riêng giảm sâu. Cụ thể, hiện giá sầu riêng Ri 6 bán tại vườn dao động từ 25-27 ngàn đồng/kg; sầu riêng Thái đạt chuẩn xuất khẩu có giá dao động từ 55-65 ngàn đồng/kg tùy vùng, tùy địa phương. Nhưng thực tế, sau khi kiểm tra thấy sầu riêng bị sượng, thương lái trả với mức giá thấp hơn nhiều so với giá đã thỏa thuận với nông dân trước đó.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 22,3 ngàn hécta sầu riêng. Trong đó, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng chuyên canh sầu riêng với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định), lo lắng những đợt cắt sầu riêng gần đây HTX liên tục lỗ vốn do cắt tại vườn nông dân với giá hơn 60 ngàn đồng/kg, khi về kho kiểm tra thấy nhiều trái sượng, tỷ lệ sượng ít thì giá nhập kho cũng giảm từ 30-50% so với giá sầu riêng loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu; tỷ lệ trái sượng nhiều kho không nhập hàng, HTX phải đưa đi nhiều nơi bán làm sầu riêng bóc múi với giá hơn 30 ngàn đồng/kg, thậm chí phải bán sầu riêng làm kem với giá chưa đến 20 ngàn đồng/kg.

Với khoảng 350 hécta được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn (xã Phú Lâm) là HTX có diện tích trồng sầu riêng lớn của tỉnh hiện nay. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn Trần Văn Sơn nhận xét, những vườn sầu riêng cho thu hoạch sớm tuy năng suất, chất lượng không bằng mọi năm nhưng vẫn bán được với giá cao, nông dân vẫn đạt lợi nhuận tốt. Nhưng những vườn sầu riêng hiện nay mới cho thu hoạch đều gặp tình trạng trái bị sượng cơm, sượng nước do ảnh hưởng mưa nhiều. Ngay cả khi HTX mua sầu riêng Thái cho thành viên với giá hàng dạt chỉ khoảng 35 ngàn đồng/kg, nhưng vẫn lỗ vốn do các kho xuất khẩu không nhập hàng vì không đạt chuẩn; những xe có tỷ lệ sầu riêng sượng cao buộc phải bán làm kem, giá chỉ còn 15 ngàn đồng/kg.

Ông Sơn so sánh, năm 2024, nhiều nhà vườn tỷ lệ sầu riêng thu hoạch đạt chuẩn xuất khẩu từ 70-80% sản lượng sầu riêng trong vườn. Nhưng năm nay, do bất lợi về thời tiết, các nhà vườn chỉ đạt tỷ lệ từ 30-40% sầu riêng loại 1 đạt chuẩn xuất khẩu. Trong đó có nguyên nhân năm nay, DN mua sầu riêng xuất khẩu kiểm tra về chất lượng trái khắt khe hơn mọi năm, vì tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu ngày càng cao.

Chuỗi liên kết dễ bị phá vỡ

Hiện nay, hoạt động mua sầu riêng tại một số vùng trồng trên địa bàn tỉnh đang đình trệ vì nông dân không chấp nhận bán giá thấp, thương lái không mua vì lo lỗ vốn. Theo đó, nhiều DN xuất khẩu sầu riêng cũng hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu.  

                       Nhiều kho làm sầu riêng xuất khẩu tại phường Long Khánh hoạt động cầm chừng.
Nhiều kho làm sầu riêng xuất khẩu tại phường Long Khánh hoạt động cầm chừng.

Bà Đặng Thị Thúy Nga chia sẻ, thông tin sầu riêng rớt giá do thương lái ép giá nông dân là không có thực. Nguyên nhân chính khiến giá sầu riêng giảm là do trái bị sượng, không đạt chất lượng xuất khẩu. HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn vì lo mất tiền đã đặt cọc cho nông dân khi không thể mua với giá đã thỏa thuận trước đó; còn nếu vẫn mua thì cầm chắc thua lỗ nặng. Trong khi đó, nhiều vùng trồng sầu riêng đang bắt đầu rộ vụ thu hoạch, tình trạng nông dân neo vườn không bán do giá thấp sẽ dẫn đến rủi ro lớn là mặt hàng này dội chợ. Vì hiện nay, nhiều kho làm sầu riêng xuất khẩu đang hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều ngày tạm ngưng hoạt động.

Nhận xét về thị trường xuất khẩu sầu riêng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (phường Long Khánh) Hoàng Thị Mỹ Ngọc cho hay, năm 2025, hoạt động xuất khẩu sầu riêng khó khăn hơn, thị trường tiêu thụ trong nước cũng chậm hơn. Trong đó có nguyên nhân các nước nhập khẩu siết chặt hàng rào kỹ thuật với nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đây cũng là các nguyên nhân khiến giá sầu riêng năm 2025 giảm so với cùng kỳ năm 2024. Do đó, trong thời gian tới, DN phải xây dựng lại quy chuẩn chặt chẽ hơn trong kiểm nghiệm, tuyển chọn sầu riêng xuất khẩu. Ngoài nguyên nhân này, chất lượng sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu cũng khiến DN giảm đơn hàng xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đồng Nai Trần Hải Sơn cho biết, nhiều địa phương của tỉnh đang rộ vụ thu hoạch nên sản lượng sầu riêng cung cấp ra thị trường rất lớn. Ngành nông nghiệp quan tâm khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sầu riêng. Nhưng thực tế, các chuỗi liên kết vẫn chưa thực sự bền vững nên khi thị trường biến động, mối liên kết này dễ bị phá vỡ. Cần có nhiều giải pháp để xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng thực sự bền vững. Trong đó, các bên tham gia cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và phải xây dựng được lòng tin bằng chữ tín mới là nền tảng để gắn kết trong chuỗi liên kết.

Bình Nguyên

 

 

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/khong-dat-chuan-xuat-khau-sau-rieng-se-doi-cho-6be2336/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm