Gia đình ông Lê Văn Thắng, thôn 11, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp duy trì chăn nuôi heo từ nhiều năm nay. Mỗi lứa gia đình nuôi khoảng 100 con heo thịt.
Ông Thắng cho biết, các giống heo mà gia đình nuôi là giống lai với heo ngoại. Các giống heo này có ưu điểm vượt trội là tăng trưởng tốt, chất lượng thịt cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Thắng đầu tư trại nuôi kiên cố, định kỳ làm tốt các hoạt động vệ sinh, tiêu độc khử trùng để bảo đảm chăn nuôi an toàn, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Trung bình mỗi con heo sau khi trừ các chi phí ông thu lãi gần 1 triệu đồng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Đắk R’lấp, tổng đàn gia súc, gia cầm huyện hiện khoảng 197.800 con, trong đó gia cầm 157.000 con, đàn heo 35.400 con. Huyện cơ bản hình thành được vùng chăn nuôi tập trung tại 2 xã Đắk Sin, Đắk Ru.
Chất lượng sản phẩm chăn nuôi của huyện ngày càng cao nhờ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đẩy mạnh chăn nuôi các giống heo lai.
Trong đó, nổi bật là các giống heo nhập ngoại như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain; các giống heo bản địa có giá trị kinh tế cao; heo đen đồng bào được duy trì đàn rộng rãi.
Hình thức chăn nuôi của người dân phát triển theo hướng trang trại, quy mô lớn, công nghiệp; hữu cơ, an toàn sinh học.

Theo kế hoạch về tái cơ cấu chăn nuôi, đến nay, tỉnh đã đạt mục tiêu về phát triển tổng đàn heo khoảng 600.000 con, tập trung ở các huyện: Cư Jút, Đắk R'lấp, Krông Nô...
Nhiều cơ sở phát triển hệ thống quản lý đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung.
Tỉnh đã hình thành được 2 vùng chăn nuôi heo tập trung tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút; các xã Đắk Sin, Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, với quy mô mỗi vùng hàng trăm ngàn con mỗi lứa.

Đàn gia cầm phát triển cơ bản đúng định hướng. Vùng chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu ở các huyện: Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, Đắk R'lấp.
Chăn nuôi gia cầm Đắk Nông chuyển đổi mạnh hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt.
Người dân, doanh nghiệp đều phát triển các giống gà mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như: Arbor Acress, TB1, BT2, lương phượng, gà chọi lai...
Người chăn nuôi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi và công nghệ chẩn đoán, thú y tiên tiến để phòng dịch bệnh; sử dụng công nghệ về vi sinh để xử lý môi trường chuồng trại chăn nuôi gia cầm.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường, kết quả lớn của chăn nuôi là Đắk Nông đã hình thành, phát triển được 7 chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên.
Cụ thể, tỉnh có 2 liên kết chăn nuôi gia cầm, số lượng đàn chiếm khoảng 43% tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh. Tỉnh có 5 liên kết chăn nuôi heo, số lượng đàn chiếm 59% tổng đàn heo của tỉnh.
Ngoài phát triển số lượng đàn, đến năm 2025, Đắk Nông đã vượt kế hoạch 5 năm mục tiêu về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ông Đông khẳng định, những kết quả của tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi là động lực mạnh mẽ cho tái cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị.
Theo Sở Nông nghiệp - Môi trường, Đắk Nông có đàn gia súc, gia cầm ngày càng phát triển, đến nay đạt trên 3,7 triệu con, trong đó đàn heo trên 626.000 con, đàn bò trên 28.700 con; đàn trâu trên 4.200 con, đàn gia cầm trên 3,14 triệu con.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-dat-nhieu-muc-tieu-tai-co-cau-chan-nuoi-250290.html
Bình luận (0)