BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình hiện được giao quản lý gần 14 nghìn ha diện tích rừng và đất rừng (trong đó, rừng và đất rừng phòng hộ trên 5 nghìn ha; rừng và đất rừng sản xuất gần 6 nghìn ha; số còn lại thuộc diện tích rừng và đất rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng).
Xác định rừng phòng hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, bảo đảm an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cộng đồng dân cư sống gần rừng, mới đây, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn theo hướng bền vững của đơn vị trong giai đoạn 2025-2034, trên cơ sở căn cứ theo phương án sử dụng đất đã được cấp trên phê duyệt.
|
Cụ thể, tổng diện tích đất thuộc phạm vi xây dựng phương án quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn theo hướng bền vững của BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình là 2.866,55ha (trong đó, xã Thuận Đức 2.263,29ha, phường Đồng Sơn 603,26ha), diện tích này đơn vị đang sử dụng đúng mục đích là đất rừng phòng hộ đầu nguồn.
Mục tiêu trọng tâm của đơn vị khi xây dựng phương án nói trên, trước hết, về mặt môi trường sẽ hướng tới bảo vệ hiệu quả toàn bộ diện tích 2.358,33ha rừng tự nhiên, 324,70ha rừng trồng, 107,84ha rừng trồng chưa thành rừng; duy trì độ che phủ của rừng trên 93%. Đơn vị phấn đấu nâng cao chất lượng rừng, nâng cao khả năng bảo vệ đất và giữ nước của rừng; tăng cường khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh còn hướng đến bảo vệ và phát triển hiệu quả các hệ sinh thái rừng, thông qua các biện pháp lâm sinh nhằm tăng cường và phát huy tối đa chức năng của rừng; hạn chế xói mòn đất, chống suy thoái tài nguyên nước; hạn chế sạt lở đất và lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm.
Để quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn theo hướng bền vững, hiện tại, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình đã hoàn tất việc xây dựng nhiều giải pháp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; phối hợp với các bên liên quan; ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường; sử dụng nguồn vốn, huy động nguồn vốn đầu tư; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường... |
Ông Đinh Thanh Quang, Phó Giám đốc phụ trách BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình cho biết: Về mặt xã hội và kinh tế, khi phương án quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn theo hướng bền vững được phê duyệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị chức năng nhằm tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo vệ rừng gắn với các giá trị văn hóa bản địa, ngành nghề của địa phương; thu hút và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương; hỗ trợ cộng đồng địa phương xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo sinh kế cho người, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
“Đơn vị chúng tôi sẽ quan tâm phát triển du lịch sinh thái bền vững dựa vào các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên hiện có nhằm nâng cao các lợi ích kinh tế cho cộng đồng, địa phương; tạo nguồn tài chính bền vững thông qua hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thuê môi trường rừng, phí, lệ phí. Ngoài ra, ban còn đẩy mạnh hợp tác liên doanh, liên kết để đa dạng hóa các nguồn tài chính và cách tiếp cận các khoản tài trợ từ nghiên cứu khoa học, tham gia cung ứng dịch vụ carbon rừng...”, ông Quang thông tin thêm.
BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó nòng cốt là trạm bảo vệ rừng vùng đồi tổ chức quản lý bảo vệ rừng tập trung ổn định toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao; triển khai thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động lựa chọn nguồn giống hợp pháp có nguồn gốc và được cấp phép sản xuất; xây dựng phương án trồng rừng hỗn giao phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Định kỳ hàng tháng, ban sẽ chủ động kiểm tra, rà soát về sinh vật hại rừng nhằm phát hiện kịp thời, kiểm soát sâu bệnh hại rừng hiệu quả. Chú trọng công tác bảo tồn các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm...
V.M
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/quan-ly-ben-vung-rung-phong-ho-dau-nguon-2225799/
Bình luận (0)