Vốn huy động giảm mạnh, nguy cơ lãi suất ngân hàng bật tăng
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế của hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng âm, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.
Mặc dù tiền gửi từ dân cư tăng thêm 123.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm, song con số này vẫn không đủ bù đắp sự sụt giảm mạnh tới 233.000 tỷ đồng từ khu vực tổ chức kinh tế (tương đương mức giảm 3,04% so với tháng 12/2024). Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ các tổ chức kinh tế có dấu hiệu đi xuống.
Trao đổi với báo chí, một Phó Tổng giám đốc của ngân hàng thương mại cổ phần lớn cho biết, ngân hàng đã nỗ lực đẩy mạnh huy động vốn trở lại từ đầu năm nhằm chuẩn bị nguồn lực cho tăng trưởng tín dụng. Dù tốc độ huy động năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, song vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay. Vị này cho biết thêm, ngân hàng ghi nhận xu hướng dòng tiền chuyển dịch sang các kênh đầu tư như vàng và bất động sản.
Số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến ngày 25/3/2025, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính đến thời điểm đó, chênh lệch giữa huy động và cho vay đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng – và con số này nhiều khả năng còn tiếp tục tăng.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục lập đỉnh mới, thị trường bất động sản cũng tăng giá mạnh, trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp. Điều này khiến nhiều người dân cảm thấy nôn nóng, dẫn đến tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), chuyển hướng đầu tư từ tiết kiệm sang vàng, đất đai dù tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong báo cáo mới nhất gửi đến Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận rằng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới đang chịu nhiều sức ép. Thứ nhất, lãi suất cho vay đã giảm sâu trong thời gian qua.
Thứ hai, nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dự kiến sẽ tăng mạnh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn lại đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các kênh đầu tư hấp dẫn như vàng, bất động sản và chứng khoán. Thứ ba, mặc dù xu hướng lãi suất toàn cầu có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế tiềm ẩn nhiều bất ổn sau khi Mỹ áp thuế đối ứng lên một số quốc gia.
Từ sau cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ngày 25/2/2025 đến đầu tháng 4/2025, đã có 26 ngân hàng hạ lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 đến 1,05%, tùy kỳ hạn. Tuy nhiên, tính trung bình, mặt bằng lãi suất huy động vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tính đến cuối tháng 3/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại chỉ giảm 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Tăng tốc tăng vốn, phát hành trái phiếu để mở rộng cho vay
Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank – nhận định rằng năm 2025, áp lực về lãi suất đối với Ngân hàng Nhà nước cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng sẽ gia tăng mạnh mẽ so với năm trước. “Lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng nhẹ từ năm 2024 và hiện vẫn đang tiếp tục xu hướng đi lên”, ông Bình nhấn mạnh.
Dù mặt bằng lãi suất tại VietinBank hiện vẫn được kiểm soát, song ban lãnh đạo ngân hàng cho biết biên độ lãi ròng (NIM) trong năm 2025 sẽ đối mặt với áp lực suy giảm. Nguyên nhân chính là chi phí vốn đang có xu hướng tăng, trong khi ngân hàng vẫn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng từng cho biết, hiện các ngân hàng đang cho vay ra nền kinh tế vượt quá lượng vốn huy động được, phần thiếu hụt phải bù đắp bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh nhu cầu mở rộng tín dụng và tăng trưởng vốn ngày càng cấp thiết, nhiều ngân hàng đã đồng loạt triển khai các phương án tăng vốn quy mô lớn. Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu năm nay đạt mức cao kỷ lục: Vietcombank thông qua tỷ lệ 49,5%, VietinBank là 44,64%, còn MSB là 20%.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay cũng ghi nhận hàng loạt kế hoạch tăng vốn “khủng” được trình lên cổ đông. MB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, qua đó nâng vốn điều lệ. NCB được cổ đông thông qua phương án tăng vốn thêm 7.500 tỷ đồng thông qua chào bán 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ hiện tại. VietABank đề xuất kế hoạch tăng vốn lịch sử, nâng gấp đôi từ 5.399,6 tỷ đồng lên 11.582,4 tỷ đồng, tương đương tăng 115%.
Song song với đó, hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng cũng diễn ra sôi động. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2025, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 41.621 tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng chiếm hơn 60%.
Các chuyên gia tại FiinGroup đánh giá rằng dù nhiều ngân hàng đang tập trung tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phần, nhưng quá trình này thường kéo dài và phụ thuộc lớn vào biến động thị trường chứng khoán. Do vậy, trong thời gian tới, phát hành trái phiếu vẫn sẽ là công cụ chủ lực nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và đảm bảo các chỉ số an toàn vốn theo quy định.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra rằng, dù trong tháng 1/2025, huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng có dấu hiệu giảm, nhưng tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống vẫn tăng 1,46%. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng đang tích cực phát hành giấy tờ có giá để bù đắp sự sụt giảm từ nguồn vốn huy động truyền thống.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dong-tien-thao-chay-khoi-ngan-hang-lai-suat-nguy-co-tang-nong-250693.html
Bình luận (0)