Văn hóa xứ Quảng là một bộ phận nằm trong dòng chảy chung của nền văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa đó do người xứ Quảng sáng tạo ra trong quá trình khai phá vùng đất “Đến đây sông nước lạ lùng. Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Do đặc thù về địa lý, văn hóa xứ Quảng hình thành trong tổng thể vùng văn hóa miền Trung dựa trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Champa tụ hội từ “bản địa hóa” của văn hóa Đông Á và Nam Á. Có thể nói, ít nơi nào có được bề dày cũng như sự đa dạng trầm tích văn hóa như ở đây.
Cư dân sinh tồn trên đất Quảng trước đây là lưu dân có mặt từ rất sớm trong lịch sử phát triển giao thoa với người Chăm và các dân tộc ở miền núi đã đoàn kết xây dựng, bảo vệ quê hương. Quá trình cộng cư dẫn đến hệ quả tất yếu là sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng tạo nên nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất. Bên cạnh sự giao thoa với văn hóa thời kỳ hậu kinh đô Trà Kiệu và Đồng Dương, cộng đồng cư dân còn giao lưu với nền văn hóa bên ngoài vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi Chúa Nguyễn ở Đàng Trong mở cửa giao thương với châu Á và các nước phương Tây, xây dựng đô thị thương cảng Hội An.
Bên cạnh Hội An cổ kính lấp lánh tài hoa, đô thị nhượng địa Đà Nẵng được hình thành, tuy nhỏ nhưng là trung tâm kinh tế của xứ Quảng, nơi đây đã tiếp thu và Việt hóa nhuần nhuyễn giá trị văn minh phương Tây, tạo thành nét văn hóa mới của riêng Đà Nẵng, tân thời mà điềm đạm, sôi động mà khiêm nhường, giữ được cốt cách.
2. Ở xứ Quảng, các giá trị văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán xã hội đều hướng đến cái tốt đẹp, cái thiện giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, tính cố kết gắn bó giữa con người và cộng đồng, nổi bật là các lễ hội cầu ngư ở miền biển, lễ kỳ yên ở đồng bằng, lệ bà Thu Bồn ở Nông Sơn và Duy Xuyên, lễ hội rước cộ bà Chợ Được và các lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở miền núi, đem lại sự cân bằng trong niềm tin văn hóa tinh thần, vun đắp tình nghĩa làn xã; cầu mong bình an cho đời sống, cầu mùa màng, vạn vật luôn phát triển sinh sôi, mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, tri ân bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dòng tộc, làng xã, là khát vọng của con người vươn tới chân - thiện - mỹ.
Cùng với những sinh hoạt lễ hội dân gian, xứ Quảng còn là cái nôi sản sinh nhiều làn điệu dân ca, hò, vè, hát ru, hát bội rất sinh động. Những bài hát ru, câu chuyện cổ tích của các dân tộc thiểu số miền núi biểu hiện đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư khi phải đối mặt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của núi rừng. Những điệu hò, điệu lý của cư dân ở đồng bằng, vùng sông nước, ven biển biểu hiện sự cần cù, nhẫn nại, chịu khó nhưng đầy vẻ trữ tình, lãng mạn.
Các trò chơi dân gian mà đặc biệt là hô hát bài chòi, ca ngợi tình yêu, tình phụ mẫu, tình thầy trò, theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc thể hiện tâm tư tình cảm, ước vọng, hoài bão của con người. Đó cũng chính là chuẩn mực đạo đức của người xứ Quảng. Để rồi cứ mỗi lúc đi xa có những phút chạnh lòng nhớ về những giai điệu sâu lắng. Nó vừa duy trì tình cảm thân thiện, gắn bó, hòa đồng, bồi đắp tình yêu quê hương và cuộc sống.
3. Giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất là tác nhân trực tiếp và vô cùng quan trọng để hình thành tính cách của con người. Xứ Quảng là vùng đất có truyền thống yêu nước, tinh thần tự chủ, sự hy sinh cao cả, nơi đây đã sinh ra nhiều nhà yêu nước và canh tân lỗi lạc: Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Người xứ Quảng vốn có truyền thống hiếu học, cầu tiến; quý cái chữ, trọng cái tình, “Không tham bị lúa anh đầy. Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian”.
Là nơi có nhiều nhà khoa bảng và chí sĩ yêu nước lừng danh nên xứ Quảng trở thành vùng đất học nổi tiếng. Điều đó cũng tạo nên bản lĩnh của con người xứ Quảng trong ứng xử văn hóa làm nền tảng để tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển của đất nước.
TÔN THẤT HƯỚNG
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/gia-tri-van-hoa-truyen-thong-xu-quang-4006927/
Bình luận (0)