Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thích sống

Cảm động, hồi hộp, ngỡ ngàng, cuốn hút, bất ngờ, ngưỡng mộ, cảm phục, biết ơn… là rất nhiều cung bậc cảm xúc tôi đã trải qua khi lật giở từng trang tự truyện “Thích sống” của tác giả Nguyễn Bích Lan (NXB Phụ nữ Việt Nam). Một cuốn sách đặc biệt khi nó được “ra mắt” vào một ngày đặc biệt, ngày tác giả bước sang tuổi 50.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng24/05/2025

Còn nhớ, khi mới phát hiện Lan bị mắc căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa, các bác sĩ tiên lượng cô may mắn lắm chỉ sống được đến 18 tuổi. Thay vì điên cuồng tìm cách chống lại bệnh tật, bằng những hành động mạnh mẽ và đầy ý chí, Nguyễn Bích Lan đã chấp nhận bệnh tật như một phần tất yếu của cuộc sống và học cách thích nghi với thực tại. Và cô đã bỏ lại “tuổi 18 hãi hùng” suốt hơn ba thập niên có lẻ để ngày càng trở nên mạnh mẽ, rạng rỡ và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Theo đuổi việc học hành, theo đuổi giáo dục bất chấp thực tại nghiệt ngã, phũ phàng và khó khăn đến đâu chăng nữa, đó là một mệnh lệnh Lan đưa ra và buộc mình phải tuân thủ nghiêm ngặt. Và con đường tự học (học văn hóa, học ngoại ngữ, học tất cả những gì một người bình thường phải học trong nhà trường mà người bệnh tật như Lan bị bỏ lỡ) đã mở ra cho Lan những con đường, những chân trời mới mà bản thân cô cũng không thể tưởng tượng nổi sự kỳ diệu của nó.

"Thích sống” cuốn hút bởi nó được viết một cách mộc mạc, giản dị, chân phương nhưng chứa đựng thần thái của triết học, của sự thông tuệ, minh triết. Triết lý sâu xa của các câu chuyện được Lan kể trong cuốn sách được thể hiện không theo cách dạy đời mà theo cách kể chuyện đời mình một cách nhẹ nhàng, bình thản làm nên sự lôi cuốn kỳ lạ của từng trang viết. Giản dị mà minh triết.

Cuộc đời Lan chính là một tác phẩm triết học lớn. Với tất cả những nỗ lực của mình, cô thâu tóm nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại kết hợp vốn ngoại ngữ tự học và những trải nghiệm sống cá nhân để chuyển ngữ từng trang sách tiếng Anh sang tiếng Việt, cung cấp cho độc giả những tác phẩm dịch thuật giá trị. Những gì cô đã nỗ lực để vượt qua để sống có ý nghĩa rất chân thực, rất đời, rất thực tế dù là một thực tế phi thường không phải ai cũng có khả năng thực hiện.

Phần 1 cuốn tự truyện là những câu chuyện nghề nghiệp của “người thợ cày trên cánh đồng chữ”. Cô kể về cái duyên đưa mình đến nghề dịch sách chuyên nghiệp, sự lan tỏa, truyền cảm hứng từ chính cuộc đời và những tác phẩm của cô. Mỗi câu chuyện người thực, việc thực được Lan viết ra mang thông điệp tràn đầy của tình yêu và lòng biết ơn với cuộc đời. Thật cảm động và tràn đầy năng lượng! Đọc “Thích sống”, nhiều trang tôi phải dừng lại giữa chừng đợi cảm xúc trong mình lắng lại mới “dám” đọc tiếp.

Tự mày mò tìm ra con đường riêng cho mình bằng rất nhiều trí tuệ và bản lĩnh, cô viết lên câu chuyện cuộc đời mình trong tự truyện “Không gục ngã”, lan tỏa sức mạnh và nguồn cảm hứng sống cho nhiều người, không chỉ người khuyết tật. Cô cũng nhận lại nguồn năng lượng khổng lồ từ phản hồi của cộng đồng và tiếp tục lan tỏa nó ngày càng mạnh mẽ ra các cộng đồng lớn hơn cũng như các cộng đồng những người yếu thế trong xã hội.

Sự phản hồi của độc giả với những câu chuyện truyền cảm hứng của Lan biến cô “bất đắc dĩ” phải trở thành nhà tâm lý. Những gì cô chia sẻ trong cuốn sách này chỉ là một số trong rất nhiều những câu chuyện mà độc giả tâm sự với cô về sự chuyển biến kỳ diệu của họ khi nhận được năng lượng tốt lành từ cuốn sách của cô. Đối với Lan, đây cũng là một niềm “hạnh phúc mệt nhoài” bởi nhu cầu đồng cảm, chia sẻ và tư vấn của độc giả quá lớn, quá sức với thể chất bệnh tật của cô.

Phần 2 của “Thích sống” xứng đáng là một cuốn tâm lý học chuyên sâu. Nó có thể hoàn toàn đứng độc lập như một tác phẩm riêng biệt. Đó là một hành trình Lan nhận thức chính bản thân mình để chọn ra phương thức sống tối ưu đem lại hạnh phúc, bình an cho cá nhân và cộng đồng. Điều này đặc biệt có giá trị với những con người đang loay hoay trong mớ bòng bong của nghịch cảnh chưa biết đi đâu về đâu, chưa biết phải làm gì. Mỗi câu chuyện trong “chuyến du hành” của Nguyễn Bích Lan đều tràn đầy kiến thức, trải nghiệm, kỹ năng, tính khả dụng, xứng đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần để từ đó mỗi chúng ta soi rọi vào cuộc sống của mình, tự sửa mình hướng tới cuộc sống hạnh phúc, bình an.

Trong “Bồ câu bay đi tìm bà” mà Lan dịch, khi cậu bé đang trong hoạn nạn được một người đàn ông tốt bụng giúp, cậu hỏi ông: “Tại sao bác lại giúp cháu?” Ông trả lời: “Bác giúp cháu và cháu sẽ ghi nhớ, rồi mai nay trưởng thành cháu sẽ giúp ai đó gặp khó khăn. Đó sẽ là một vòng tròn không bao giờ kết thúc”. Với “Thích sống”, Lan đã góp phần tạo ra một vòng tròn không bao giờ kết thúc đó là vòng tròn của trí tuệ, bản lĩnh, tình yêu, niềm tin vào sức mạnh kỳ diệu của con người khi nó được nhận thức và phát huy. Nó được trao truyền, lan tỏa từ Lan sang độc giả, từ độc giả sang những người có kết giao với họ, từ người này sang người khác. Cứ thế nó làm cho đời sống nhân gian đẹp đẽ hơn và đáng sống hơn.

Ánh sáng của trí tuệ, của tài năng, lòng can đảm, tình yêu người, yêu đời, ý chí, bản lĩnh vượt lên nghịch cảnh để hạnh phúc và thành công, tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của Lan đã như dòng nước mát lành lan tỏa và giúp cây đời thêm xanh mát tốt tươi. Biết bao cuộc đời đã hồi sinh từ cảm hứng được trao truyền từ chính câu chuyện cuộc đời khó tin nhưng có thật của Nguyễn Bích Lan.

TRẦN THỊ THU HOÀI

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/thich-song-4006935/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm