Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ biển cho mai sau

“Chúng ta không chỉ giữ biển cho hôm nay, mà còn gìn giữ đại dương cho thế hệ mai sau”, anh Đào Đặng Công Trung, đồng sáng lập nhóm "DaNang Free Diving" - một cộng đồng bơi lặn kết hợp khám phá và bảo vệ môi trường biển, nhấn mạnh về câu chuyện du lịch bền vững tại biển Đà Nẵng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng24/05/2025

Du khách tham gia lặn biển, kết hợp giữ gìn, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển dưới chân bán đảo Sơn Trà. Ảnh: TRUNG ĐÀO
Du khách tham gia lặn biển, kết hợp giữ gìn, bảo vệ rạn san hô tại vùng biển dưới chân bán đảo Sơn Trà. Ảnh: TRUNG ĐÀO

Du lịch bền vững và có trách nhiệm, trong đó có du lịch biển đã và đang là thông điệp được nhiều đơn vị làm du lịch và du khách hướng tới trong thời gian qua.

Giữ rừng dưới nước

“Bán đảo Sơn Trà là một hệ sinh thái hiếm có, trải dài từ đáy biển đến đỉnh núi. Dưới mặt nước là cả một thế giới sống động với cá, tôm, san hô… - những cư dân thầm lặng nhưng vô cùng quý giá. Không phải nơi nào trên thế giới cũng may mắn có được điều đó. Đặc biệt, san hô chính là khu rừng nguyên sinh dưới biển, đóng vai trò thiết yếu trong duy trì sự sống và cân bằng hệ sinh thái”, anh nói.

Có thời gian dài gắn bó với đại dương, anh Trung thấu hiểu sự mong manh của san hô - loài sinh vật nhạy cảm trước biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, rác thải nhựa và đặc biệt là tác động từ ngư cụ như lưới, cào, dây neo… Những vật thể này có thể cuốn vỡ cả một mảng san hô, để lại những tổn thương khó phục hồi cho hệ sinh thái biển. Vì thế mà nhiều năm nay, anh cùng những người yêu biển chọn cho mình một “nghề tay trái không lương” - lặn biển nhặt rác. Từ tinh thần "muốn đi xa hãy đi cùng nhau", cộng đồng "DaNang Free Diving" ra đời, quy tụ hơn 4.000 thành viên là người dân, du khách trong và ngoài nước sau 2 năm hoạt động. Họ không chỉ học kỹ năng lặn, tận hưởng vẻ đẹp kỳ ảo của rạn san hô Sơn Trà, mà còn góp phần vào những buổi dọn dẹp đáy biển định kỳ. Mỗi chuyến lặn là một cơ hội để nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng hành động bảo vệ biển xanh.

Nỗ lực “giữ rừng dưới nước” của "DaNang Free Diving" đem lại kết quả rõ rệt. Các rạn san hô ở Bãi Nam, Hòn Sụp, Bãi Obama… phục hồi mạnh mẽ, rác thải giảm nhiều. Nhưng theo anh Trung, vẫn cần một chiến lược bảo tồn biển bài bản và lâu dài.

Mùa hè năm trước, chúng tôi theo chân nhóm Trash Hero Đà Nẵng dọn rác tại bãi tắm Sơn Thủy (quận Ngũ Hành Sơn). Ra đời từ tháng 9-2022, đến nay cộng đồng này ngày một lớn mạnh với thành viên là những du khách trong và ngoài nước, người nước ngoài định cư tại Đà Nẵng và nhiều người dân địa phương. Người sáng lập nhóm là anh Benjamin Lawson, du khách người Mỹ “trót” yêu Đà Nẵng. Tính đến trung tuần tháng 5-2025, Trash Hero Đà Nẵng đã có 109 buổi dọn rác bên bờ biển và các điểm công cộng. Vừa dọn rác vừa ngắm biển, những con người không phân biệt quốc tịch, màu da hay nghề nghiệp luôn mong muốn góp một phần sức nhỏ để giữ gìn cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho thành phố biển này, trên tinh thần "mỗi một hành động nhỏ đều mang ý nghĩa lớn".

Du lịch bền vững

Nhấn mạnh các thành viên trực thuộc đặc biệt quan tâm việc xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi tích cực tham gia vào chương trình trồng 3.500 cây dừa phủ xanh bãi biển chung tay giữ gìn cảnh quan bãi biển - một trong những hoạt động quan trọng do thành phố Đà Nẵng tổ chức. Cùng với đó, phối hợp Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng tổ chức giải chạy Chân trần trên biển 2024, thu hút gần 1.000 người dân, du khách tham gia, vừa tạo sân chơi thể thao lành mạnh vừa nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển”.

Ngược về trục tây bắc thành phố là những bãi biển đẹp nằm dọc vịnh Đà Nẵng như: Nam Ô, Xuân Thiều. Tại đó cũng như những bãi biển khác, các doanh nghiệp, đơn vị  làm du lịch không chỉ khai thác không gian biển để phục vụ du khách mà còn nhấn mạnh yếu tố trách nhiệm. Theo đại diện Khu phức hợp Mikazuki Spa & Hotel Resort, khu thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, gom rác tại bãi biển, đồng thời phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh miền Trung thu gom rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, cùng các đơn vị liên quan tham gia dọn dẹp, phân loại và di chuyển rác thải trôi dạt sau bão lũ, tổng vệ sinh dọn rác dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành nhân ngày Môi trường thế giới để bảo đảm cảnh quan khu vực biển.

Câu chuyện du lịch kết hợp bảo vệ môi trường biển được người làm du lịch trên địa bàn thành phố ưu tiên trong tiến trình vận hành các hoạt động du lịch. Bản thân các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chủ động vệ sinh bãi biển sạch sẽ, bảo đảm môi trường du lịch an toàn và thân thiện, bởi biển có xanh, có sạch thì không gian điểm đến của họ càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Ở phía du khách, giữ cho biển trong lành cũng là giữ cho mình một không gian trường tồn trên bản đồ các điểm đến.

Theo anh Đào Đặng Công Trung, trong thời gian tới, khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng sẽ có hơn 145km đường bờ biển, đó là một lợi thế lớn để phát triển các mô hình du lịch bền vững như: lặn ngắm san hô, khai thác thủy sản chọn lọc, khám phá thiên nhiên gắn với bảo tồn. “Chúng ta không chỉ giữ biển cho hôm nay, mà còn gìn giữ đại dương cho thế hệ mai sau”, anh Trung nhấn mạnh.

  • Hãy nhìn vào mô hình Cù Lao Chàm ở Hội An - nơi cấm đánh bắt theo mùa để tái tạo nguồn lợi. Đà Nẵng nên khuyến khích ngư dân từ bỏ giã cào, kích điện và lưới nhỏ. Đồng thời cần hạn chế rác thải nhựa dùng một lần, đầu tư hệ thống xử lý rác hiệu quả. Phát triển du lịch biển phải song hành cùng bảo tồn".
  • Anh Đào Đặng Công Trung, đồng sáng lập nhóm "DaNang Free Diving"


XUÂN SƠN

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/giu-bien-cho-mai-sau-4006944/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm