Ông Mai Đức Chung (SN 1951) là một trong những cầu thủ từng dự trận đấu đầu tiên giữa hai miền Nam và Bắc, sau ngày đất nước thống nhất. Đó là trận đấu lịch sử giữa đội Tổng Cục Đường Sắt và đội Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất (Tổng Cục Đường Sắt thắng 2-0), vào năm 1976.
HLV Mai Đức Chung khi đó đá tiền đạo, cũng là người ghi bàn mở tỷ số trong trận cầu lịch sử nói trên, qua đó trở thành người ghi bàn thắng đầu tiên trên sân Thống Nhất, sau ngày đất nước thống nhất.
Thật đáng kinh ngạc khi ông Mai Đức Chung tham gia bóng đá đỉnh cao liên tục từ đó cho đến tận ngày nay, kinh qua rất nhiều vai trò khác nhau gồm cầu thủ, HLV bóng đá nam, HLV bóng đá nữ, nhà quản lý bóng đá (nguyên trưởng Bộ môn bóng đá, thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao trước đây).
HLV Mai Đức Chung chính là chứng nhân của lịch sử xuyên suốt hành trình 50 năm qua, tính từ ngày đất nước thống nhất. Một buổi chiều tháng 4, vị HLV đáng kính này trò chuyện với phóng viên Dân trí về hành trình nửa thế kỷ của bóng đá nội.

HLV Mai Đức Chung là người ghi bàn thắng đầu tiên trên sân Thống Nhất, trong trận đấu giữa hai đội thuộc hai miền Nam và Bắc, sau ngày đất nước Thống Nhất (Ảnh: Đỗ Minh Quân).
Chứng nhân của lịch sử
50 năm qua, chứng kiến biết bao thăng trầm của bóng đá Việt Nam, những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là gì?
- Có một kỷ niệm mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Một ngày vào năm 1976, chúng tôi, những thành viên của đội Tổng Cục Đường Sắt bước ra sân Thống Nhất đầy ắp khán giả. Chúng tôi có trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng thuộc hai miền Nam và Bắc, đội Tổng Cục Đường Sắt gặp đội Cảng Sài Gòn.
Tôi nhớ như in, ngày đó dẫn dắt chúng tôi là anh Trần Duy Long (cựu HLV đội tuyển Việt Nam, cựu quyền chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM), thi đấu bên cạnh tôi là các anh Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Hoàng Gia, Lê Khắc Chính…
Ở đầu sân bên kia là các anh Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Đình Thăng, Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Ngôn, thủ môn Lưu Kim Hoàng. Trước đó, chúng tôi biết tên tuổi của nhau, cảm phục tài năng của nhau, nhưng việc trực tiếp gặp nhau trên sân cỏ, đó là lần đầu tiên xảy ra.
Kỷ niệm năm đó sẽ là một phần ký ức mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Với tôi, đấy còn hơn cả một trận đấu. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn thấy bồi hồi. Trận đấu đấy tạo cho tôi cảm xúc khó diễn tả bằng lời.
Tính từ trận đấu lịch sử đấy, tính từ sau ngày đất nước thống nhất, đã 50 năm trôi qua, bóng đá Việt Nam đã thay đổi như thế nào? Vị thế của bóng đá nước nhà trên bình diện quốc tế đã thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Thay đổi rất nhiều, chúng ta hiện nay đã có được vị thế mà tôi cho rằng được sự nể trọng của các nền bóng đá ở Đông Nam Á, ở châu Á và cả ở bình diện thế giới. Tôi là người trong nghề, tôi có may mắn được tiếp xúc với giới bóng đá quốc tế, chính họ nói với tôi rằng họ nể, họ phục sự vươn mình của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đối đầu tuyển Mỹ ở World Cup 2023 (Ảnh: AFC).
Đó là cũng là kỷ niệm sâu sắc tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến. Năm 2023, bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup. Trước đó một năm, FIFA tổ chức hội nghị chuẩn bị cho giải đấu này ở New Zealand. Hội nghị được chủ trì bởi Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura.
Việc làm đầu tiên khi vị Tổng thư ký của FIFA bước vào phòng hội nghị là gì anh biết không? - Đó là họ nhìn quanh phòng hội nghị, rồi hỏi với vẻ rất cầu thị: "Đại diện Việt Nam đâu ạ?". Tôi từ tốn đưa tay, trả lời đầy tự hào: "Tôi đây! Chúng tôi ở đây!".
Giây phút đó khó tả lắm, thật sự xúc động và thật sự tự hào. Chúng ta đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng chúng ta đã làm được, chúng ta đã đến nơi cần đến. Bóng đá Việt Nam đã lưu dấu chân ở đấu trường World Cup.
Bóng đá Việt Nam "thay da đổi thịt"
Quay lại với bóng đá trong nước, để đến được với đấu trường World Cup, bóng đá Việt Nam đã thay đổi cụ thể những gì?
- Đầu tiên, thay đổi quan trọng nhất, đó là đời sống của anh em cầu thủ. Tôi trải qua hành trình 50 năm của bóng đá nước nhà, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt đấy. Cầu thủ Việt Nam càng về sau này càng được quan tâm nhiều hơn, đời sống của giới cầu thủ ngày một tốt hơn, giúp họ yên tâm cống hiến.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của y học, sự phát triển về kinh tế của đất nước giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển. Bóng đá Việt Nam thay da đổi thịt rõ rệt. Trình độ chuyên môn của các cầu thủ tăng lên, trình độ chung của toàn bộ nền bóng đá tăng lên.
Ngoài ra, sự phát triển về kinh tế của đất nước cũng giúp cho các cầu thủ Việt Nam có điều kiện được đi tập huấn nước ngoài nhiều hơn, được thi đấu cọ xát nhiều hơn, giúp họ tăng trình độ. Đây là điểm mà giới cầu thủ hiện tại hơn hẳn giới cầu thủ thời tôi. Riêng ở Đông Nam Á, vị trí của chúng ta là vị trí trong nhóm đầu,
Có lẽ chúng ta hãy nói kỹ hơn một chút về sự chuyển biến của bóng đá Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á, bởi nơi đây là nơi người xem có thể thấy rõ nhất sự thay đổi rất tích cực của bóng đá Việt Nam?
- Đúng như vậy! Chúng ta hãy nhớ lại những kỳ SEA Games đầu tiên khi bóng đá Việt Nam quay lại với sân chơi khu vực. Hồi đầu những năm 1990, thời điểm chúng ta mới tái hòa nhập với bóng đá Đông Nam Á, chúng ta rất yếu.

Chức vô địch AFF Cup 2024 cho thấy vị thế của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á (Ảnh: Hướng Dương).
Vài năm sau ngày đó, chúng ta mạnh lên, gia nhập vào nhóm thường xuyên cạnh tranh huy chương. Tuy nhiên, khoảng thời gian đấy bóng đá Việt Nam vẫn kiêng dè bóng đá Thái Lan. Rồi thêm vài năm nữa, chúng ta dần dần đánh bật Thái Lan khỏi vị trí độc tôn của bóng đá khu vực.
Ngày nay, cầu thủ Việt Nam đâu còn e dè cầu thủ Thái Lan nữa. Chúng ta có được tất cả những điều đó là nhờ sự phát triển chung của toàn bộ nền bóng đá. Như tôi đã nói, cầu thủ càng về sau này càng có điều kiện tốt về kinh tế, được tập huấn và cọ xát quốc tế thường xuyên, nên họ quen với áp lực, họ không ngại bất kỳ đối thủ nào.
Hoặc ngay như giải U17 châu Á vừa rồi. Đội tuyển U17 Việt Nam không thành công một cách trọn vẹn, nhưng thú thật, nhìn các cháu thi đấu, người làm chuyên môn như tôi không có gì để chê trách. Đội U17 Việt Nam bất bại trước các đại diện đến từ Nhật Bản, Australia, UAE. Thử hỏi có bao nhiêu đội ở châu Á làm được điều đó!
Tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn
Có nghĩa là sự phát triển của bóng đá Việt Nam là sự phát triển toàn diện, tiến bộ ở nhiều mặt và nhiều khía cạnh khác nhau?
- Giờ chúng ta hãy nhìn sang nhiều nền bóng đá lân cận, không phải nền bóng đá nào cũng phát triển rất đồng đều từ bóng đá nam, cho đến bóng đá nữ, rồi futsal, rồi các đội tuyển trẻ như tại Việt Nam. Bóng đá nam 3 lần vô địch AFF Cup và luôn tiến xa ở giải châu Á, bóng đá nữ nhiều lần lên ngôi ở khu vực và giữ kỷ lục giành Huy chương vàng ở SEA Games.
Chúng ta đã có vé dự World Cup bóng đá nữ (2023), có vé dự World Cup bóng đá trẻ (U20 năm 2017), có vé dự World Cup futsal (2016, 2021). Không phải nền bóng đá nào tại châu Á cũng làm được điều tương tự.

HLV Mai Đức Chung tin vào tiềm năng phát triển rất lớn của bóng đá Việt Nam (Ảnh: Hải Long).
Dĩ nhiên, chúng ta chưa hoàn hảo. Khách quan mà nói, không thể ngay lập tức, không thể trong vòng ngày một ngày hai chúng ta hoàn hảo ngay được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nỗ lực, sự cố gắng của những người làm bóng đá nội. Họ luôn cố gắng sửa sai, cố gắng làm tốt hơn, cố gắng cải thiện từng bước chất lượng của bóng đá Việt Nam.
Chúng ta hãy nhìn giải trong nước, nhìn công tác đào tạo trẻ, nhìn các đội tuyển ở sân chơi quốc tế, chúng ta sẽ thấy bóng đá Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đấy là điều được quốc tế công nhận, nên càng không thể phủ nhận nỗ lực của những người làm bóng đá, từ cấp CLB cho đến cấp quản lý mang tầm bao quát.
Có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng, và để bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn, chúng ta cần làm gì, thưa ông?
- Đẩy mạnh công tác đầu tư, từ các địa phương, các ngành, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa bóng đá. Để bóng đá đỉnh cao phát triển, phong trào phải rộng khắp. Đây là con đường mà nhiều nền bóng đá hàng đầu thế giới và châu Á đang thực hiện.
Trong đó, cách phát triển rộng nhất và căn cơ nhất là đưa bóng đá vào học đường. Nếu làm được điều này, nguồn cầu thủ của chúng ta sẽ rất đông đảo, tính sàng lọc khi lên đến đỉnh cao sẽ rất cao, rất có lợi cho bóng đá Việt Nam.
Rồi chuyện nâng cao tầm vóc của cầu thủ. Vấn đề này dĩ nhiên nằm trong chiến lược chung về chuyện phát triển tầm vóc người Việt Nam. Thế nên mới nói, việc phát triển bóng đá không chỉ là việc của ngày một ngày hai.

Bóng đá trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngoài ra, chúng ta đừng nên bỏ qua nguồn lực cầu thủ Việt kiều. Đấy là nguồn lực rất lớn và tôi tin rằng kiều bào ta ở nước ngoài cũng khao khát, cũng đầy tự hào khi được đóng góp cho quê hương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá. Cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ đều cần nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều.
Nhân nói đến chuyện bóng đá nữ, bản thân ông là HLV đội tuyển nữ Việt Nam, ông đang trăn trở những gì?
- Tôi đang cố gắng trẻ hóa đội tuyển nữ, cố gắng tìm thêm nhiều nhân tố trẻ cho đội tuyển nữ Việt Nam. Để một thời gian ngắn nữa thôi, khi tôi từ giã đội tuyển vì tuổi tác, đội tuyển nữ Việt Nam luôn có đủ lực lượng để kế thừa.
Mà để có nguồn cầu thủ trẻ cho bóng đá nữ, như tôi đã nói, phong trào bóng đá nữ phải rộng khắp. Chúng ta cần có thêm nhiều đội hơn nữa tham gia các giải bóng đá nữ. Càng nhiều đội bóng tham gia, chúng ta càng có đông cầu thủ để sàng lọc.
Ở thời điểm đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup 2023, chúng ta chỉ có 6 đội tham dự giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, đó là con số quá khiêm tốn, khiêm tốn tới mức cả World Cup tỏ ra ngạc nhiên. Chưa có nền bóng đá nào dự World Cup mà có số lượng đội thi đấu đỉnh cao ít như vậy.
Đó là điều tôi trăn trở. Tôi mong được thấy bóng đá nữ phát triển song hành với bóng đá nam, từng CLB bóng đá nam có sự xuất hiện của các đội bóng nữ, như các nền bóng đá lớn trên thế giới đang có. Nếu làm được điều đó, bóng đá nữ Việt Nam sẽ ngự ở trên đỉnh cao Đông Nam Á thêm rất nhiều năm nữa, sẽ tiến gần hơn nữa đến với đẳng cấp châu Á!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và cảm ơn ông về tất cả những gì ông đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong 50 năm!
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-thao/hlv-mai-duc-chung-50-nam-qua-bong-da-viet-nam-khien-the-gioi-ne-phuc-20250424020320117.htm
Bình luận (0)