TIỀM NĂNG LỚN
Trong báo cáo Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam-Phân tích đầu tư và cơ hội tăng trưởng 2025-2030 của Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được định giá 654 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1,75 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng ở tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) là 17,93%.
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc khi mà trong năm 2024, lần lượt các doanh nghiệp lớn ngành viễn thông đều cho ra đời những trung tâm dữ liệu “Make in Vietnam”.
Trong báo cáo Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam-Phân tích đầu tư và cơ hội tăng trưởng 2025-2030 của Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được định giá 654 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1,75 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng ở tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) là 17,93%.
Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước ra đời vào tháng 4/2024 với công suất điện khoảng 30MW. Các hệ thống vận hành của trung tâm đều được tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách tối đa.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm IDC Viettel, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào một số động lực chính như chuyển đổi số và kinh tế số làm cho nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn đã thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng trung tâm dữ liệu. Việt Nam có lợi thế về chi phí xây dựng và vận hành thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đó là một trong số những tiềm năng để Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
![]() |
Trong năm 2024, lần lượt các doanh nghiệp lớn ngành viễn thông đều cho ra đời những trung tâm dữ liệu “Make in Vietnam”. |
Trước đó, vào tháng 10/2023, Tập đoàn VNPT cũng đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu thứ 8 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích lên tới 23.000m2 sàn, quy mô khoảng 2.000 tủ mạng.
Trung tâm này đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III về tiêu chuẩn đánh giá quốc tế về các tiêu chí như thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý và sự ổn định của một trung tâm dữ liệu cho hạng mục thiết kế, xây lắp.
Tính đến hết quý I/2024, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu và tổng cộng 49 nhà cung cấp dịch vụ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định rằng: Việc một số trung tâm dữ liệu quy mô lớn được đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số. Các trung tâm dữ liệu cũng đón đầu những nhu cầu từ nước ngoài chuyển về Việt Nam theo làn sóng đầu tư nước ngoài và xu thế chuyển dịch nội dung về gần người dùng internet Việt Nam của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung toàn cầu.
CẠNH TRANH ĐỂ PHÁT TRIỂN
Mặc dù có sự phát triển nhanh chóng, được đánh giá có tiềm năng tỷ đô nhưng thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, do xuất phát điểm của Việt Nam thấp hơn một số nước ASEAN, quy mô trung tâm dữ liệu còn khiêm tốn, băng thông internet kết nối đi quốc tế còn lớn hơn băng thông internet nội địa cho nên có một tỷ lệ lớn nội dung trên internet được người dùng Việt Nam truy cập, là nằm ở nước ngoài.
Để xây dựng một trung tâm dữ liệu cần chi phí đầu tư lớn (hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD). Thêm nữa, các nhà đầu tư trong nước gặp nhiều thách thức khi chất lượng nguồn điện chưa ổn định và hạ tầng kết nối quốc tế còn hạn chế. Số tuyến cáp biển của Việt Nam còn quá ít-5 tuyến hiện hữu và 2 tuyến đang xây dựng (phục vụ 72 triệu người dùng internet), chỉ bằng 20-30% so với các nước trong khu vực.
Hiện nay, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn do các nhà cung cấp trong nước dẫn dắt. Tuy nhiên, Luật Viễn thông (sửa đổi) 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ trung tâm dữ liệu, mở ra cơ hội thu hút vốn và đầu tư công nghệ, nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.
Các nhà đầu tư quốc tế với lợi thế về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm vận hành sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà cung cấp trong nước, nhưng đồng thời các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế am hiểu thị trường, chính sách của Nhà nước và nhu cầu khách hàng để cung cấp dịch vụ phù hợp.
Bên cạnh đó, những cái “bắt tay” với các nhà cung cấp nước ngoài để tận dụng dòng vốn đầu tư sẽ là động lực tạo đà tăng trưởng kinh tế. Nếu có chiến lược đúng đắn, các nhà cung cấp trong nước vẫn có thể khai phá và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này.
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-pha-thi-truong-trung-tam-du-lieu-post870413.html
Bình luận (0)