Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lợi thế của “người đi sau”

Dự thảo Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới theo quy trình tại một kỳ họp.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân25/04/2025

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội chỉ tập trung quy định các vấn đề khung, nguyên tắc chung và những nội dung đã rõ, đã ổn định; còn các nội dung cụ thể, chi tiết sẽ giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định và phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cho TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức, vận hành hoạt động của Trung tâm.

Các đề xuất của Chính phủ về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có nhiều thay đổi so với dự kiến ban đầu. Theo đó, thay vì thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng thì sẽ chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế với một khung chính sách duy nhất. Cũng theo phương án đề xuất của Chính phủ, Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, sẽ phát triển hài hòa, có sự phân định tương đối dựa trên lợi thế vùng, trong đó, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào phát triển thị trường vốn, ngân hàng quốc tế, dịch vụ tài chính, chuỗi khu vực…, còn Đà Nẵng tập trung vào tài chính xanh, tài chính OFC hoặc fintech, quản lý quỹ khu vực gắn với khu thương mại tự do…

Việc hình thành, vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế với thế giới là không mới, nhưng với Việt Nam là chưa có tiền lệ. Nhưng ngay cả với thế giới thì sự phát triển của các trung tâm này cũng không dễ dàng. Thực tế cho thấy, hiện thế giới có khoảng 120 trung tâm tài chính quốc tế, nhưng số lượng thực sự thành công, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, chỉ dưới 10. "Để có được một trung tâm tài chính quốc tế thành công đúng nghĩa là vô cùng khó, vô cùng thách thức", ông Thắng cho biết. Chính vì vậy, sự thận trọng của Chính phủ đối với việc xây dựng khung pháp lý cho Trung tâm Tài chính quốc tế là hết sức cần thiết để bảo đảm thành công của mô hình này.

Việt Nam là quốc gia đi sau, nên thách thức đối với việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế chắc chắn sẽ càng lớn hơn. Nhưng đây là nhiệm vụ, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định “buộc phải làm cho giai đoạn phát triển bứt phá sắp tới của đất nước”.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, chính vì đi sau nên Việt Nam “có quyền” học hỏi từ các nước đi trước để chọn lựa được những kinh nghiệm thành công, phù hợp và tránh được những thất bại, xác định được cách đi, bước đi phù hợp hơn, sáng tạo hơn, đúng đắn hơn. Chính vì vậy, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi xem xét cụ thể hồ sơ dự thảo Nghị quyết, đã nhấn mạnh cần tăng tính thuyết phục, tăng tính đột phá của các đề xuất chính sách.

Theo đó, các chính sách về trung tâm tài chính quốc tế phải thực sự đột phá, không rập khuôn, có chọn lọc, tận dụng tối đa lợi thế của quốc gia đi sau, đặt trong tổng thể phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, đặc biệt chú trọng các chính sách mang tính riêng biệt dựa trên những thế mạnh, tiềm năng riêng có của Việt Nam.

Sự thận trọng trong thiết kế chính sách về Trung tâm Tài chính quốc tế, như đã nói ở trên, là hết sức cần thiết, nhưng không có nghĩa là lại dè dặt quá mà ngược lại, việc đánh giá tác động kỹ lưỡng cả mặt tích cực và tiêu cực, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước chính là cơ sở vững chắc để vừa đột phá về chính sách vừa có cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, quản lý được rủi ro, bảo đảm được an ninh, an toàn hệ thống tài chính, ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một bài toán phát triển kinh tế, mà còn là "thước đo" năng lực hoạch định chính sách, điều hành và cải cách thể chế. Với quyết tâm chính trị cao, cùng tư duy chọn lọc nhưng dám đột phá, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một mô hình trung tâm tài chính quốc tế hiện đại, hiệu quả và có bản sắc riêng.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/loi-the-cua-nguoi-di-sau-post411362.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm