- Không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm khi Mỹ áp thuế đối ứng
Cà Mau là một trong những địa phương phát triển mạnh về nuôi tôm, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu (KNXK). Toàn tỉnh hiện có khoảng 303.264 ha nuôi trồng thuỷ sản, với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm đạt 1,2 tỷ USD. Cụ thể như năm 2023, KNXK thuỷ sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt 70,98 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,91% tổng KNXK của tỉnh. Năm 2024 đạt 76,78 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,07% tổng KNXK của tỉnh.
Riêng 3 tháng đầu năm nay, KNXK thuỷ sản ước đạt 236 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ ước đạt 12,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,42%.
Ngay sau khi giá tôm tăng trở lại, người nuôi tôm phấn khởi đầu tư thả con giống nuôi vụ mới.
Ông Trần Tấn Tài, một thương lái thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn huyện Cái Nước, cho biết: “Ngay sau khi Mỹ công bố hoãn thuế đối ứng, giá tôm nguyên liệu trên thị trường đang dần ổn định và tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá 200 ngàn đồng, tăng 10 ngàn đồng/kg; loại 30 con/kg giá 146 ngàn đồng, tăng 7 ngàn đồng/kg; loại 40 con giá 127 ngàn đồng, tăng 5 ngàn đồng/kg so với thời điểm thông báo áp thuế. Với mức giá ổn định như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí thì người nuôi tôm có lãi nhiều so với trước đó”.
Theo ông Tài, trước đó ngày 2/4 Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa của nhiều quốc gia khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ, thì giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau đã bắt đầu giảm từ 10-20 ngà đồng/kg, theo từng phân khúc và kích cỡ tôm.
Quyết định hoãn áp thuế đối ứng của Thổng thống Mỹ Donald Trump thật sự là tin vui, giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm có thêm cơ hội và niềm tin ở vụ tôm này. Điều đó được thể hiện qua giá tôm những ngày gần đây đã tăng trở lại, chuyện tiêu thụ thuận lợi hơn và người nuôi tôm cũng quay lại thả giống nhiều hơn.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp là 81.325,28 ha, bà con đang thả nuôi 99% diện tích; tôm quảng canh cải tiến 190.805 ha, đang thả nuôi đạt 100%; tôm thâm canh và siêu thâm canh có 6.484,72 ha với 7.272 hộ nuôi, đạt 95,4% so kế hoạch, bằng 97,4% so cùng kỳ.
Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Ở thời điểm này, người nuôi tôm phải đầu tư ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trước tình hình khó khăn này. Hiện nay, HTX đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công máy tạo oxy và quạt đạp nước, xử lý môi trường nước theo phương thức thẩm thấu cho ao công nghiệp, hiện đã đi vào hoạt động, giảm được chi phí đầu tư. Đặc biệt, thiết kế xây dựng ao lắng ở vị trí cao để xả tràn, giảm điện năng trong bơm tát nước khi không cần thiết”.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang tận dụng mốc thời gian “vàng” 90 ngày để tập trung đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường mới.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Hành chính Nhân sự, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Quyết định hoãn áp dụng mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị kế sách cho những bước đi tiếp theo. Không còn con đường nào khác, mỗi doanh nghiệp cần phải tạo được sân chơi cho mình, tìm cách tháo nút thắt cũng như xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nữa sau những bài học về thuế quan cũng như các chính sách mới về môi trường”.
Theo ông Tâm, về lâu dài, ngành tôm cần thực hiện chiến lược cụ thể, đa dạng hóa thị trường khách hàng và sản phẩm; làm chủ công nghệ, thúc đẩy khả năng thích ứng; chủ động thích ứng trước những rào cản thương mại các nước nhập khẩu đặt ra.
Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP), mặc dù quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng từ phía Mỹ giúp doanh nghiệp xuất khẩu “dễ thở hơn”, chốt những đơn hàng trở lại với các đối tác, song thực tế cho thấy các rủi ro vẫn tiềm ẩn và nguy cơ về phòng vệ thương mại vẫn còn hiện hữu.
Để vượt qua thách thức, trước rủi ro về những rào cản thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang tận dụng mốc thời gian “vàng” để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu “Tôm Việt” gắn với chất lượng, bền vững và minh bạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do FTA như: EVFTA, CPTPP, RCEP… mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu và cả thị trường Halal đầy tiềm năng, để bù đắp cho các đơn hàng ở thị trường Mỹ nếu mức thuế đối ứng không được thay đổi theo hướng mà doanh nghiệp kỳ vọng khi qua mốc thời gian 90 ngày hoãn thuế./.
Trung Đỉnh
Nguồn: https://baocamau.vn/moc-thoi-gian-vang-de-doanh-nghiep-dieu-chinh-chien-luoc-a38465.html
Bình luận (0)