Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nét độc đáo trong sản phẩm thủ công của người Cơ Ho

Là một trong hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số bản địa của xã Bảo Thuận, tỉnh Lâm Đồng, thôn Duệ không chỉ được biết đến với nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng10/07/2025

Là một trong hai thôn đồng bào dân tộc thiểu số bản địa của xã Bảo Thuận, tỉnh Lâm Đồng, thôn Duệ không chỉ được biết đến với nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn có nghề đan lát truyền thống của người Cơ Ho.

Nghề đan lát không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Cơ Ho.

Đến thôn Duệ, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân từ già đến trẻ đang quây quần đan lát, tạo nên những chiếc gùi, giỏ, rổ, rá…, độc đáo. Bà K’Ẹp, một nghệ nhân đan lát lành nghề cho biết, để hoàn thiện một sản phẩm đan lát phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc lên rừng lấy tre, nứa, lồ ô về chẻ nan rồi đến khâu đan tỉ mỉ. Những sản phẩm có họa tiết hoa văn đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo.

Hiện, bà K’Ẹp không chỉ là người có tay nghề đan lát giỏi nhất vùng, bà còn truyền dạy kỹ thuật đan lát cho con cháu và người dân trong thôn. Mỗi năm, bà truyền dạy nghề cho từ 20-30 người, nhất là các cô gái trong độ tuổi 14-17. “Nghề này là nghề truyền thống của ông, bà để lại, bây giờ mình cố gắng gìn giữ lại cái nghề truyền thống của tổ tiên”, bà K’Ẹp chia sẻ.

Với kinh nghiệm mấy mươi năm trong nghề, già làng K’Tiếu cho biết, muốn có chiếc gùi, cái giỏ, rổ, rá đẹp, bền chắc, dân làng thường vào rừng chọn những cây tre, nứa không quá non cũng không quá già để làm nguyên liệu đan lát. “Nghề đan lát có từ rất lâu rồi. Trong gia đình, đan lát là việc của cả đàn ông lẫn phụ nữ. Với tôi, nghề đan lát không chỉ mang lại thu nhập mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được lưu giữ và truyền lại cho con cháu”, già làng K’Tiếu khẳng định.

Thôn Duệ hiện có 254 hộ, với hơn 98% là người dân tộc thiểu số bản địa. Trước đây, đan lát chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào đan lát phát triển mạnh và các sản phẩm đã trở thành hàng hóa được ưa chuộng.

Hiện, thôn Duệ có gần 100 hộ theo nghề đan lát. Bên cạnh nghề nông, nghề đan lát không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong thôn mà còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lâu đời. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận, làng nghề đan lát thôn Duệ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống vào năm 2022.

Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đan lát cho người dân, giúp sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tỉnh đang nỗ lực đưa sản phẩm đan lát trở thành sản phẩm OCOP, vừa bảo tồn nghề truyền thống vừa giúp người dân nâng cao thu nhập.

Nguồn: https://baolamdong.vn/net-doc-dao-trong-san-pham-thu-cong-cua-nguoi-co-ho-381868.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
Cờ vua đấu trí
Cờ vua đấu trí