Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người phi công dẫn đầu đội bay MiG-21 diễu binh trên bầu trời Sài Gòn tháng 5/1975

Trở lại sân bay Biên Hòa 50 năm sau chuyến bay diễu binh lịch sử, cựu phi công Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại khoảnh khắc dẫn đầu đội bay MiG-21 "gầm thét" trên bầu trời TPHCM ngày chiến thắng.

VietNamNetVietNamNet23/04/2025

LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.  

Đó còn là bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân trong những thời khắc lịch sử. 

Mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng của Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370) - có dịp trở lại đơn vị cũ tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. 

Chuyến thăm này gợi lên trong ông kỷ niệm về những ngày chiến đấu hào hùng và khoảnh khắc diễu binh trên bầu trời TPHCM - khi đó mang tên Sài Gòn - năm 1975.

Dẫn đầu phi đội bay diễu binh lịch sử

Sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi, cậu bé Nguyễn Văn Nghĩa theo cha tập kết ra Bắc học tập trước khi nhập ngũ.

Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh: Hoàng Anh

Năm 1965, ông Nghĩa trúng tuyển lực lượng không quân và được cử sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Sau 3 năm huấn luyện, năm 1968, ông trở về nước tham gia chiến đấu, lập nhiều chiến công trong việc bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Người cựu phi công nhớ rõ ngày 12/5/1975, đội hình MiG-21 gồm 12 máy bay do ông dẫn đầu xuất phát từ miền Bắc, hướng về sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, phi đội buộc phải tạm dừng ở Đà Nẵng và tiếp tục hành trình vào hôm sau, rồi hạ cánh tại sân bay Biên Hòa lúc 10h30 ngày 14/5. 

“Sau đó, phi đội tiếp tục nhận nhiệm vụ cho ngày 15/5/1975, gồm 2 biên đội bay với mỗi biên đội 4 chiếc, thực hiện bay diễu binh phía trên dinh Độc Lập trong lễ mừng chiến thắng” - Đại tá Nghĩa nói.

Ông Nghĩa kể chuyến bay được thực hiện trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao, đứng đầu là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

"Khi đội hình MiG-21 bay phía trên dinh Độc Lập, tiếng gầm thét của động cơ phản lực khiến người dân rất phấn khích. 

Trước đó không lâu, lực lượng không quân của ta đã đánh bại không lực Mỹ. Chúng tôi tự hào bay trên bầu trời thành phố, khẳng định sức mạnh của lực lượng Không quân Việt Nam lúc bấy giờ" - ông Nghĩa nhớ lại.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu đội hình MiG-21 diễu binh qua dinh Độc Lập ngày 15/5/1975. Ảnh: NVCC

Sau màn trình diễn trên bầu trời, phi đội quay về sân bay Biên Hòa hạ cánh an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngày 16/5, một biên đội tiếp tục thực hiện chuyến bay thứ 2 trên bầu trời thành phố vừa được giải phóng, đánh dấu cột mốc quan trọng, khẳng định sức mạnh của lực lượng không quân trong thời kỳ mới.

Phi công trẻ tiếp bước thế hệ đi trước

Trở lại sân bay Biên Hòa, Đại tá Nghĩa bồi hồi khi chứng kiến những đổi thay. Các phi công trẻ hôm nay tiếp bước lớp tiền bối, tiếp tục sứ mệnh bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

“Chúng tôi là những người đi trước, khi thấy đội hình bay hiện nay thì thực sự phấn khích. Lực lượng không quân ngày càng lớn mạnh, cả trình độ và kỹ năng. Những bài tập phức tạp đều được thực hiện thành công, khẳng định sự phát triển vững chắc của Không quân Việt Nam” - ông chia sẻ.

Trong chuyến thăm, ông Nghĩa gặp gỡ và trò chuyện với các phi công trẻ. Ông cũng truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy và cách dẫn đầu phi đội bay diễu binh qua dinh Độc Lập nửa thế kỷ trước.

Đại tá Nghĩa (trái) truyền đạt lại kinh nghiệm cho phi công Nguyễn Thế Dũng. Anh Dũng là người đảm nhận vị trí dẫn đầu đội hình bay ngày 30/4 năm nay. Ảnh: Hoàng Anh

Trong lễ diễu hành ngày 30/4 tới, Đại tá Nguyễn Thế Dũng - Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 371, phi công lái tiêm kích Su-30MK2 - đảm nhận vị trí dẫn đầu đội hình bay. 

Chia sẻ về nhiệm vụ quan trọng này, anh Dũng cho biết theo quy định của không quân và giáo trình huấn luyện, đội trưởng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyến bay cũng như sự an toàn của các thành viên trong đội hình. Từ khi máy bay lăn bánh ra đường băng, cất cánh cho đến lúc hạ cánh an toàn, đội trưởng phải chỉ huy biên đội một cách chính xác, chặt chẽ.

"Bay qua một thành phố lớn với nhiều công trình cao tầng, địa tiêu phức tạp, phi công phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tham số bay, biên độ an toàn. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, người chỉ huy cần có bản lĩnh vững vàng, kiến thức chuyên môn sâu rộng để dẫn dắt biên đội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" - Đại tá Dũng nhấn mạnh.

Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh quân đội, Đại tá Nghĩa khẳng định: "Không quân Việt Nam hôm nay là 'quả đấm thép' giữ vững chủ quyền bầu trời, biển đảo Tổ quốc".

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/nguoi-phi-cong-dan-dau-chuyen-bay-dieu-binh-tren-bau-troi-sai-gon-thang-5-1975-2383859.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm