Chiều 10/7, tọa đàm tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học: Giữ hay bỏ hội đồng trường 2 cấp?" do Báo Pháp luật TPHCM tổ chức ghi nhận nhiều ý kiến đa chiều về quy định tổ chức hội đồng trường trong trường thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng.
Theo Điều 13, Dự thảo thứ 2 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng sẽ không tổ chức hội đồng trường.
Cần xem xét thấu đáo
Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM, cho rằng giáo dục đại học giữ vai trò nền tảng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong bối cảnh đó, chủ trương thúc đẩy quyền tự chủ đại học đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực, nâng chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động và tiến trình hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên, để thực hiện tự chủ hiệu quả, cần một hệ thống quản trị phù hợp. Hiện nay, các đại học quốc gia và đại học vùng ở Việt Nam đang áp dụng mô hình quản trị 2 cấp: Hội đồng đại học ở cấp toàn hệ thống và Hội đồng trường ở từng trường đại học thành viên. Về lý thuyết, mô hình này được xây dựng nhằm kết nối định hướng chiến lược chung của toàn đại học với quyền tự chủ của từng trường thành viên.

Tuy vậy, trong thực tiễn, việc tồn tại song song hai cấp hội đồng đã làm phát sinh không ít băn khoăn về sự chồng chéo trong quản lý, cơ chế ra quyết định và giới hạn quyền tự chủ.
Do đó, theo ông Thọ, quy định tại Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với việc không tổ chức Hội đồng trường ở cấp trường thành viên cần được xem xét hết sức thận trọng.
"Việc điều chỉnh này không chỉ thay đổi về mặt tổ chức, mà là quyết định mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự chủ thực chất, cơ chế ra quyết định và sự phát triển riêng biệt của từng trường đại học, đồng thời tác động sâu rộng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia", ông Thọ nói.
Nhiều hội đồng trường phát huy hiệu quả
Trong tham luận mở đầu tọa đàm, GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ những hiệu quả rõ nét trong việc thực hiện mô hình Hội đồng trường tại đơn vị này, qua đó nhấn mạnh vai trò thiết yếu của cơ chế quản trị trong tiến trình tự chủ đại học.

Theo ông Phương, từ năm 2020, Trường Đại học Bách khoa là đơn vị đầu tiên trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức được Hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2018.
Hội đồng gồm 25 thành viên, đại diện cho nhà trường, doanh nghiệp, cựu sinh viên và chuyên gia độc lập. Cơ chế hoạt động theo hướng định kỳ, công khai và thông qua các quyết sách chiến lược bằng hình thức bỏ phiếu.
Tác động từ cơ chế quản trị mới đã mang lại kết quả cụ thể, tích cực trong công tác đào tạo, kiểm định, xếp hạng quốc tế, nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở vật chất…
Một điểm nổi bật khác là nhà trường đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về học phí, công khai biểu phí và chính sách hỗ trợ học bổng minh bạch. Tổng ngân sách hoạt động hằng năm đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Theo GS Phương, Trường Đại học Bách khoa đã triển khai thành công mô hình tự chủ đại học cả theo chiều sâu và chiều rộng. Tự chủ không chỉ thể hiện ở tổ chức và tài chính, mà còn ở học thuật, nghiên cứu và trách nhiệm xã hội. Trường là một mô hình mẫu điển hình của tự chủ đại học toàn diện và hiệu quả.
GS.TS Lê Minh Phương cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, cùng với thực tiễn triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay, việc xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với nhiều điểm mới sẽ tác động mạnh mẽ tới các trường, đội ngũ giảng viên và người học.
Do đó, ông Phương cho rằng, cần xem xét lại quy định tại điều 13 của Dự thảo Luật, theo hướng giữ lại Hội đồng trường cho các trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia và đại học vùng.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho rằng việc duy trì Hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là một thiết chế không thể thiếu trong mô hình quản trị đại học hiện nay.
Theo ông Lương, các trường đại học thành viên là những cơ sở giáo dục đại học đúng nghĩa, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như bất kỳ trường đại học nào khác trong hệ thống.
Chính vì vậy, Hội đồng trường cần được duy trì như một yếu tố tất yếu, đảm bảo quyền tự chủ, minh bạch và hiệu quả trong điều hành, phát triển nhà trường.
Đề xuất quy định rõ vai trò các thiết chế
Nhiều chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm với GS.TS Lê Minh Phương và PGS.TS Đoàn Đức Lương, cho rằng việc duy trì Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên là cần thiết để đảm bảo hiệu quả trong quản trị và vận hành.
Nếu không có Hội đồng trường ở cấp trường thành viên, mọi công việc quan trọng sẽ bị “đẩy” lên Hội đồng đại học quốc gia hoặc đại học vùng.
Theo các chuyên gia, điều này dễ dẫn đến tình trạng “ách tắc” trong quá trình giải quyết công việc, do khối lượng công việc tập trung quá lớn ở cấp trên.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ việc duy trì Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên, một số chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập trong mô hình “hội đồng trường 2 cấp” đang được áp dụng tại các đại học quốc gia.

Theo quy định hiện hành, Hội đồng đại học quốc gia có trách nhiệm quyết định chiến lược phát triển tổng thể, phân bổ tài chính, bổ nhiệm nhân sự cấp cao và điều phối các chương trình liên kết ngành nghề mang tính liên đại học.
Trong khi đó, Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên chịu trách nhiệm điều hành hoạt động thường nhật, quyết định các vấn đề quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ và xây dựng chiến lược phát triển riêng của từng trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số ý kiến cho rằng quyền hạn giữa hai cấp hội đồng vẫn chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc "giẫm chân" nhau trong một số hoạt động.
Điều này gây khó khăn cho các trường thành viên trong việc tự chủ quyết định các vấn đề mang tính đặc thù, cũng như trong việc xây dựng và triển khai những chiến lược đột phá phù hợp với năng lực, thế mạnh riêng.

Góp ý tại tọa đàm, PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng cần luật hóa rõ ràng vai trò giữa các thiết chế trong trường đại học, bao gồm: Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.
Đây là cơ sở để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong quản trị đại học và phát huy quyền tự chủ thực chất của các cơ sở giáo dục.
Cũng theo ông Nam, để Hội đồng trường hoạt động hiệu quả, cần bổ sung thêm chức năng chất vấn Ban giám hiệu, giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành nhà trường.
Cùng với đó, ông đề xuất cần quy định rõ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động của Hội đồng trường.
Ngày 26/6, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo 2 Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý theo quy định.
Dự thảo Luật gồm 9 chương và dự kiến 54 điều, được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và thực tiễn trong nước; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và kiến tạo hành lang pháp lý đổi mới phát triển giáo dục đại học.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-gop-y-ve-thiet-che-hoi-dong-truong-cua-truong-dai-hoc-thanh-vien-post739243.html
Bình luận (0)